Tung ra thị trường Việt Nam, Skoda định vị phân khúc xe phổ thông hay… 'lỡ cỡ'?

Cập nhật: 23-09-2023 | 14:24:26

Sắm vai "kẻ đến sau" tại thị trường Việt Nam, Skoda có lợi thế trong việc thăm dò thị hiếu người Việt, từ đó rút ra bài học trong cách định vị thương hiệu và giá bán, tránh đi vào "vết xe đổ" của không ít "đồng hương" châu Âu đi trước như Renault, UAZ hay thậm chí cả Volkswagen.

Thị trường ô tô Việt Nam sắp chào đón thêm một thương hiệu ô tô mới đến từ châu Âu - Skoda. Nói mới là bởi hãng xe xuất xứ Cộng hòa Séc này dù có lịch sử lâu đời (gần 130 năm) và đã xuất xưởng những mẫu xe lăn bánh ở hơn 100 quốc gia trên toàn cầu. Tuy nhiên tại Việt Nam, đây mới chỉ là lần đầu tiên Skoda gia nhập thị trường và phân phối chính hãng.

Theo thông tin rò rỉ, trước mắt hãng xe châu Âu này tung ra 2 mẫu xe, đều định vị ở phân khúc xe đa dụng (SUV/crossover), gồm Skoda Kodiaq và Skoda Karoq. Đây đều là những mẫu xe sử dụng chung nền tảng khung gầm MQB nổi tiếng của tập đoàn Volkswagen. Đồng thời cũng chính là 2 "con át chủ bài" đã và đang giúp Skoda "tung hoành" tại thị trường châu Âu. Mặc dù vậy, câu hỏi được quan tâm lúc này là liệu 2 mẫu xe này có gặt hái được thành công tại Việt Nam tương tự như tại "lục địa già" hay không?

Nhiều người đang quan tâm đến cách định vị thương hiệu cùng mức giá của các mẫu xe Skoda tại Việt Nam

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành ô tô tại Việt Nam, nếu xét về chất lượng và bề dày thương hiệu, hãng xe châu Âu hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng về một kết quả tốt tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ mới là điều kiện cần. Bởi ngoài chất lượng xe, giá bán và cách định vị thương hiệu cũng là yếu tố khác mang tính quyết định.

Trước Skoda, đã có không ít thương hiệu xe phổ thông cũng rất nổi tiếng khác của châu Âu tiếp cận khách hàng Việt, như Volkswagen, UAZ, Peugeot hay Renault. Tuy nhiên, nếu thực sự nói về thành công, trước mắt chỉ có mỗi Peugeot. Với 3 thương hiệu còn lại, có đến 2 cái tên đã rút khỏi thị trường và không hẹn ngày "tái ngộ". Còn Volkswagen dù vẫn kiên trì "bám trụ" nhưng doanh số chưa thể đạt kỳ vọng và chỉ hướng đến một nhóm khách "ngách, không đáng kể.

Ngoại trừ UAZ, có một điểm chung dẫn đến kết quả không như ý của Volkswagen và Renault; trùng hợp lại nằm ở cách định vị thương hiệu và định giá bán. Renault chào thị trường Việt Nam từ năm 2010. Thời điểm đó, hãng xe Pháp không định vị ở phân khúc xe phổ thông như phần lớn hãng xe châu Á, mà "xếp" mình vào nhóm "lỡ cỡ" (nằm trên các thương hiệu xe phổ thông đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng nằm dưới phân khúc xe sang có sự góp mặt của Audi, BMW hay Mercedes-Benz…).

Từ cách định vị đó, hãng xe Pháp mang đến cho khách hàng nhiều mẫu xe, trong đó nổi bật có bộ 3 Koleos, Latitude và Talisman, với mức giá khiến không ít khách Việt phải "hết hồn", lần lượt 1,2 đến 1,4 tỉ, 1,65 tỉ và 1,499 tỉ đồng. Giá bán này gần như gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi nhiều mẫu mã xe Nhật Bản, Hàn Quốc cùng phân khúc, thông số kỹ thuật. Kết quả, sau chưa đầy 10 năm góp mặt, Renault đã phải "khăn gói" rời thị trường.

Tương tự hãng xe Pháp, Volkswagen cũng là thương hiệu ô tô "đình đám" xuất xứ châu Âu và gia nhập thị trường Việt Nam khá sớm. Tuy nhiên đến thời điểm này, sau gần 15 năm hiện diện, hãng xe Đức dường như vẫn rất "chật vật" và chưa thể thuyết phục được số đông khách Việt. Nguyên nhân chủ yếu cũng xuất phát từ cách định vị thương hiệu và mức giá bán.

Thực tế, Volkswagen vốn dĩ chỉ được xem là một thương hiệu "bình dân", phổ thông tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, một phần vì ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu xe, một phần do không muốn "chung đụng" với những mẫu xe Nhật Bản, Hàn Quốc; hãng xe Đức cũng tự định vị ở phân khúc "lưng chừng" giữa xe sang và xe phổ thông. So với nhiều mẫu mã cùng phân khúc và thông số, giá bán của các dòng xe Volkswagen tại Việt Nam cũng cao hơn khá nhiều. Đây chính là lý do, dù chất lượng sản phẩm luôn được đánh giá cao, nhưng Volkswagen vẫn chưa thể chiếm lĩnh thị trường Việt, như cách họ chinh phục các thị trường châu Âu hay Bắc Mỹ.

Trong khi đó, Peugeot lại là trường hợp trái ngược hoàn toàn. Sau thời gian "lận đận" cũng vì cách định vị "lỡ cỡ" và giá bán khá "chát"; thương hiệu xe Pháp và đối tác THACO AUTO đã có nước đi có thể xem là đúng đắn, khi chuyển hình thức phân phối các dòng xe Peugeot từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước. Đồng thời, chấp nhận "ngồi chung mâm" với các hãng xe châu Á và "hạ" giá bán nhiều mẫu mã để tăng sức cạnh tranh.

Chính điều này giúp Peugeot dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khách hàng và trở thành thương hiệu xe châu Âu bán chạy nhất tại Việt Nam những năm gần đây.

Rõ ràng, nhìn vào chiến lược và kết quả của các hãng xe phổ thông châu Âu có được tại thị trường Việt Nam; có thể thấy cách định vị và giá bán mới là yếu tố đóng vai trò quyết định đến thành bại. Không thể phủ nhận Skoda là thương hiệu ô tô "có tiếng" và bề dày lịch sử; tuy nhiên với một thị trường như Việt Nam, thành công hay không xem ra còn phụ thuộc vào cách hãng xe Cộng hòa Séc và đối tác TC Motors sẽ "chọn" phân khúc và mức giá ra sao.

Theo TNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=644
Quay lên trên