Trong khi nhiều người cho rằng, niềm đam mê kinh doanh đồ ăn, thức uống phục vụ giới trẻ ở vùng nông thôn là sự “mạo hiểm” thì nhiều bạn trẻ ở xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên) đã nghĩ và dám làm. Cùng chung một ý tưởng đã giúp các bạn nâng thêm đôi cánh ước mơ và hoài bão vươn lên…
Văn Sang và Ý Như (bên trái) tham gia đội hình tình nguyện chống dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021
Vượt qua thử thách…
Ngày cuối tuần của cô chủ quán Đoàn Ý Như sinh năm 1994, ở ấp Thiềng Liềng, bận rộn hơn ngày thường vì quán phục vụ đông khách. Quán mì cay Shin, sau gần 2 năm kinh doanh đến giờ không còn xa lạ gì với người dân, nhất là các bạn trẻ ở khu vực huyện Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên.
Xuất thân từ gia đình buôn bán nhỏ, Như đã từng có ước mơ sẽ kinh doanh giống ba mẹ. Sau tốt nghiệp THPT, Như học ngành sư phạm mầm non và ra trường là một giáo viên dạy thể dục nhịp điệu cho các bé mẫu giáo. Ước mơ tưởng chừng không có cơ hội thực hiện, nhưng khi tham gia hoạt động Đoàn xã Tân Định, Như được học hỏi các mô hình lập nghiệp và có thêm ý tưởng về việc mở một cửa hàng ăn uống ở địa phương.
Như bộc bạch: “Nhìn lại tại địa phương các quán ăn không riêng biệt dạng ăn vặt mì cay, trà sữa, người muốn dùng phải đi rất xa thì mới tìm được quán, nên em muốn ở địa phương mình ở có quán ăn theo xu hướng giới trẻ. Lúc đầu khi có ý tưởng, trong lòng em nghĩ đến việc quán mới mẻ với mọi người có thể sẽ không thành công nhưng vẫn muốn thực hiện cho được. Sau đó, em đi đến các quán có món ăn Hàn Quốc dùng thử để xem cách làm, cách phục vụ khách hàng và học cách chế biến từ bạn bè”.
Buổi sáng tại cửa hàng mì cay Shin ở khu phố 3, thị trấn Tân Thành (Bắc Tân Uyên), Như chế biến các nguyên liệu, cùng với các bạn nhân viên lau dọn sạch bàn ghế để bắt đầu ngày làm việc mới. Cứ đúng 9 giờ 30 phút, Như mở cửa đón khách, trông không gian quán tươm tất, hiện đại và trang trí trẻ trung đã thể hiện được sự sáng tạo, mạnh dạn và uy tín của cô chủ quán 9X này. Nếu không có sự quyết đoán và mạnh dạn dám làm ngay từ ban đầu thì Như sẽ không có thể khởi nghiệp với ước mơ của bản thân.
Như kể lại: “Ở nơi mình ở là nông thôn, không có bao nhiêu người trẻ thích mấy món đó đâu! Cửa hàng ăn uống như vậy chỉ hợp với đô thị thôi… Lúc đó có nhiều ý kiến tác động, em đã nghĩ lại cũng hợp lý, cộng thêm nghĩ đến bước đầu khó khăn về vốn, thuê mặt bằng làm sao đủ tiền, bao nhiêu đó cũng đủ làm cho một cách nghĩ có thể bị dập tắt. Nhưng cuối cùng em đã quyết định “mạo hiểm” khởi nghiệp với sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, Đoàn thanh niên xã và may mắn tìm gặp mặt bằng vừa ý với hình thức kinh doanh nên việc chuẩn bị rất thuận lợi”.
Năm 2021, khi trên địa bàn tỉnh có dịch bệnh Covid-19, mọi người lúc đó rất sợ dịch bệnh thì Như chuẩn bị khai trương quán. Như gặp khó khăn vì mọi thứ đều mới, nhân viên đa phần các bạn không có kinh nghiệm về các món ăn, người dân địa phương còn chưa tin tưởng món ăn Hàn có thể phù hợp khẩu vị. Quán “chập chững bước đi” mỗi ngày với tâm huyết vì chất lượng phục vụ của cô chủ quán trẻ tuổi này. “Nhưng em nghĩ có thử thách mới có thành công, nếu thất bại thì làm lại. Em vẫn quyết định mở quán trong thời điểm đó và cũng đôi lần phải đóng cửa vì sợ dịch bệnh khi chưa có chỉ thị”, Như chia sẻ.
Phải là chính mình
Cuối tháng 4 vừa qua, Như vừa khai trương thêm một cửa hàng mì cay Shin ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên. Đa phần các món ăn tại quán đều do Như chế biến, sáng tạo thêm với giá bình dân để được sự yêu mến của nhiều khách hàng. Mục tiêu và phương châm của Như khi kinh doanh là “Chúng ta bán gì không quan trọng, quan trọng là chúng ta bán như thế nào, chất lượng sản phẩm tạo nên cuộc sống của chính chúng ta”. Quán bán đến 22 giờ đêm, Như đóng cửa dọn dẹp, kiểm tra doanh thu của 2 cửa hàng và luôn luôn làm một việc mỗi ngày là tiếp nhận những ý kiến từ nhân viên đến khách hàng để thay đổi tốt hơn.
Hiện tại, 2 quán của Như đều có doanh thu ổn định, trừ chi phí, lương nhân viên thì bình quân mỗi tháng cô chủ 9X thu nhập hơn 40 triệu đồng và tạo việc làm cho 12 bạn thanh niên. Như cho biết: “Dự định cũng như ước muốn tiếp theo của em là ổn định cửa hàng để tiếp tục tìm nguồn và nơi thích hợp tạo thêm các cửa hàng mới. Em sẽ đi học thêm về kinh doanh, nghề chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển bản thân”.
“Chi hội Kingfood và hội quán thanh niên là nơi để các bạn thanh niên trong xã học hỏi, giao lưu, kết nối với bạn bè có cùng niềm đam mê kinh doanh và khởi nghiệp. Xã đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt thanh niên tại chi hội và hội quán để phát triển phong trào Đoàn và giúp các bạn có thể tìm hiểu các mô hình, cách pha chế, kinh doanh và chia sẻ những câu chuyện hay trong bước đầu khởi nghiệp”. (Anh Lê Quốc Long, Bí thư Xã đoàn Tân Định) |
Nói đến sự thành công ban đầu hôm nay, Như không bao giờ quên Chi hội Kingfood thuộc Xã đoàn Tân Định. Chi hội Kingfood là nơi để Như học tập, được giúp đỡ phát triển và là nơi của những người trẻ ở xã Tân Định có chung niềm đam mê khởi nghiệp. Trong đó, không thể không nói đến Chi hội trưởng Nguyễn Văn Sang, cũng là một chủ quán trà sữa 9X ở ấp Bà Đã.
Anh Sang cho biết: “Ngoài kinh doanh, tôi còn muốn tạo cơ hội cho nhiều bạn thanh niên muốn khởi nghiệp nhưng còn e dè, chưa tự tin. Chi hội Kingfood được tạo ra dành cho các bạn có sở thích về nấu ăn, pha chế thức uống và cùng niêm đam mê khởi nghiệp kinh doanh quán theo mô hình từ nhỏ đến lớn. Hiện nay, chi hội có 11 hội viên và đã hỗ trợ việc làm cho hơn 12 thanh niên. Từ đây, các bạn hội viên gặp những người bạn có chung niềm yêu thích và tìm được nhân viên cho các cửa hàng của mình. Mỗi người đã quyết tâm thay đổi thì hãy mạnh dạn khởi nghiệp bắt đầu từ niềm đam mê”.
Ở ấp Bà Đã, xã Tân Định còn có một “Hội quán thanh niên” là nơi diễn ra các hoạt động phù hợp và hỗ trợ các hội viên, thanh niên trên địa bàn xã có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ cùng nhau trong cuộc sống. “Hội quán thanh niên” xuất phát từ quán trà sữa Kim Long của bạn Trần Kim Anh. Kim Anh vừa kinh doanh quán thức uống, vừa kinh doanh dịch vụ hoa tươi, cưới hỏi.
Anh Lê Quốc Long, Bí thư Xã đoàn Tân Định, cho biết: “Chi hội Kingfood và hội quán thanh niên là nơi để các bạn thanh niên trong xã học hỏi, giao lưu, kết nối với bạn bè có cùng niềm đam mê kinh doanh và khởi nghiệp. Xã đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt thanh niên tại chi hội và hội quán để phát triển phong trào Đoàn và giúp các bạn có thể tìm hiểu các mô hình, cách pha chế, kinh doanh và chia sẻ những câu chuyện hay trong bước đầu khởi nghiệp”.
Ý Như hay Văn Sang, Kim Anh… và còn nhiều bạn trẻ nữa, đều năng động, biết lao động sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Những người trẻ hôm nay luôn cố gắng, tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động mới để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên; đồng thời vươn lên ổn định cuộc sống và khá giả, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương. Ở họ còn có những câu chuyện của người đoàn viên, cán bộ Đoàn tiêu biểu với trái tim người trẻ tình nguyện trên từng hoạt động, phong trào Đoàn, công tác xã hội và cộng đồng. Họ đã và đang thắp sáng ngọn lửa khát khao của tuổi trẻ hiến dâng cho đời những hương hoa, mật ngọt…
K.TUYẾN