Tuổi trẻ nói không với tai nạn giao thông

Cập nhật: 22-11-2013 | 00:00:00
Nhậu nhẹt, say xỉn, vi phạm tốc độ gây sự cố đáng tiếc khi tham gia giao thông để phải ân hận cả đời là thông điệp từ phiên tòa giả định (PTGĐ) mà Chi đoàn Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp cùng Đoàn khối Các cơ quan tỉnh tổ chức tại xã Hòa Lợi (Bến Cát) vừa qua.Tiếp nối thành công từ những PTGĐ trước, PTGĐ lưu động lần này mang nội dung xét xử về “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Hàng trăm công nhân, thanh niên và người dân tại địa phương đã có mặt tại điểm xử án. Phiên tòa giả định tại xã Hòa Lợi (Bến Cát) thu hút đông đảo thanh niên, công nhân và người dân tham dự  Theo nội dung bản cáo trạng, khoảng 20 giờ ngày 25- 7-2013, Nguyễn Hoàng Trọng Bảo và Huỳnh Văn Long uống rượu tại nhà của Bảo. Khoảng 22 giờ, Bảo điều khiển xe mô tô loại xe 50 - 78 phân khối không có biển số chở ông Long lưu thông trên quốc lộ 14 hướng từ xã Tân Định đến xã Chánh Phú Hòa. Khi đến đoạn đường thuộc ấp 2, xã Tân Định, Bảo điều khiển xe lấn trái đường đụng vào xe mô tô biển số 61N1-4946 do ông Trần Hải Bằng điều khiển lưu thông ngược chiều. Tại nạn xảy ra làm ông Bằng và ông Long ngất xỉu tại chỗ được người dân gần đó đưa đi bệnh viện cấp cứu, Bảo bị xây xát không đi điều trị. Đến ngày 28-7-2013, ông Bằng tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy do chấn thương sọ não, nứt xương sọ, dập phù não. Do đó, cáo trạng truy tố bị cáo Nguyễn Hoàng Trọng Bảo phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điểm b, Khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự. Bị cáo chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại do người nhà nạn nhân đưa ra với số tiền hơn 100 triệu đồng, đồng thời chịu mức án tù là 4 năm 6 tháng. Khá ngỡ ngàng khi theo dõi phiên tòa, nhiều thanh niên, công nhân chia sẻ, chỉ vì một phút bốc đồng, không nghĩ đến hậu quả mà giờ người nhà nạn nhân phải chịu nỗi đau mất người thân, gia đình bị cáo cũng phải chịu tai họa và bản thân Bảo cũng phải chịu hình phạt do “ma men” dẫn đường. Tai nạn giao thông là điều có thể chủ động phòng tránh từ ý thức người tham gia giao thông. Vì thế, tốt nhất là giáo dục ý thức người tham gia giao thông thật kỹ để khỏi phải “tiền mất tật mang”. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Bí thư Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết: “Đây là PTGĐ thực sự ý nghĩa vì được tổ chức đúng vào Ngày Pháp Luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9-11) và ngày cả nước tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (17-11). Ở mỗi địa điểm tổ chức, chúng tôi đều thay đổi nội dung tuyên truyền sao cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương đó. Việc tuyên truyền pháp luật thông qua tình huống giả định là việc đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật của Đoàn Thanh niên. Qua đó, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và quần chúng nhân dân hiểu biết về pháp luật và có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật”. Tại PTGĐ, người dân cũng được phát tờ rơi với nội dung chấp hành an toàn giao thông, được tư vấn miễn phí về pháp luật... Đây là những cách làm cụ thể, thiết thực, trực tiếp tác động tới nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh. THANH LÊ
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=432
Quay lên trên