Tương lai nào cho thỏa thuận an ninh song phương Mỹ - Ukraine?

Cập nhật: 13-06-2024 | 19:03:46

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến ​​ký thỏa thuận an ninh 10 năm vào ngày 13/6. Văn bản này sẽ cho phép Washington phải cung cấp cho Kiev nhiều loại hỗ trợ quân sự.

Điều này đã được cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố, tờ Washington Post đưa tin. Các quan chức cho biết mục đích của thỏa thuận là cam kết từ các chính quyền tương lai của Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine ngay cả khi cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) ở Washington, DC ngày 21/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

ác quan chức Mỹ cho biết họ hy vọng thỏa thuận này sẽ thu hẹp sự chia rẽ chính trị ở Mỹ, nhưng thừa nhận rằng ông Trump hoặc bất kỳ tổng thống tương lai nào có thể rút khỏi thỏa thuận hành pháp không có tính ràng buộc về mặt pháp lý vì đây không phải là một hiệp ước và sẽ không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Nó cũng không chỉ ra bất kỳ nghĩa vụ mới nào liên quan đến triển vọng Ukraine gia nhập NATO.

Ông Sullivan nói: “Chúng tôi muốn chứng minh rằng Mỹ ủng hộ người dân Ukraine, chúng tôi sát cánh cùng họ và chúng tôi sẽ tiếp tục giúp giải quyết các nhu cầu an ninh của họ không chỉ trong ngày mai mà còn trong tương lai”.

Với việc ông Trump đang dẫn trước đương kim Tổng thống Biden trong nhiều cuộc thăm dò, tương lai của thỏa thuận an ninh song phương Mỹ - Ukraine vẫn chưa rõ ràng. Ông Trump đôi khi bày tỏ sự hoài nghi về việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nhấn mạnh rằng châu Âu phải gánh vác gánh nặng lớn hơn trong việc hỗ trợ Kiev.

Cho đến nay Ukraine đã ký thoả thuận an ninh song phương với 15 quốc gia khác, trong đó có Anh, Pháp, Đức và Italy. 16 quốc gia khác đã cam kết cuối cùng sẽ ký kết các thỏa thuận tương tự. Các quan chức Mỹ và Ukraine kỳ vọng các nước sẽ phối hợp những cam kết viện trợ, có thể bắt đầu bằng hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO tại Mỹ vào tháng tới, mặc dù không phải nước nào ký thỏa thuận với Kiev đều là thành viên của liên minh quân sự.

Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết: Thỏa thuận không bắt buộc Mỹ phải gửi quân đến bảo vệ Ukraine trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, không giống như lời hứa của NATO về việc bảo vệ lẫn nhau “tất cả vì một, một vì tất cả”.

Cũng không có số tiền nào liên quan đến sự hỗ trợ mà Washington sẽ cung cấp cho Kiev. Nhưng tài liệu này cam kết Mỹ sẽ tham vấn cấp cao với Ukraine trong vòng 24 giờ nếu nước này bị tấn công lần nữa trong tương lai.

Mỹ cũng sẽ tiếp tục huấn luyện cho quân đội Ukraine, tăng cường hợp tác trong sản xuất công nghiệp quốc phòng và chia sẻ nhiều thông tin tình báo hơn hiện nay. Các nguồn tin cho biết, thỏa thuận này cũng được thiết kế để giúp xây dựng khả năng răn đe lâu dài của Ukraine trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm trên không, trên biển và không gian mạng.

Theo Báo Tin tức

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1007
Quay lên trên