Hội Người mù tỉnh hiện là mái nhà chung cho 806 hội viên là người khiếm thị tại địa bàn tỉnh. Chính tại nơi đây, nhiều người mù đã được tiếp thêm sức mạnh, làm bàn đạp để vươn xa hơn trong cuộc sống, mở ra một tương lai tươi sáng.
Theo bà Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và y học, dưới sự can thiệp của các phương pháp tiên tiến, số trẻ em mù bẩm sinh giảm dần là tín hiệu tốt đẹp. Những năm tháng chiến tranh đã lùi xa, số người bị ảnh hưởng cũng không còn nhiều như trước. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, những người mù trong tỉnh đã có nhiều cơ hội xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Cô Đặng Thị Thu Phương luôn tận tụy vì học sinh thân yêu Ảnh: N.HƯƠNG
Người mù khiếm khuyết về thân thể chứ không khiếm khuyết về tinh thần. Nắm bắt nguyện vọng “muốn có chữ, có nghề để ổn định cuộc sống”, Hội Người mù Bình Dương đã tổ chức những lớp học phục hồi chức năng, song song đó là việc đào tạo nghề được quan tâm sâu sắc. Các em học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học tại lớp phục hồi chức năng sẽ được gửi đến trường học chính quy, cùng sinh hoạt, học tập như những người bình thường. Hết bậc phổ thông, không ít người khiếm thị đã theo đuổi thành công con đường học vấn với bậc đại học. Tiêu biểu có thể kể đến Thùy Linh - học cử nhân báo chí, Trọng Nghĩa - du học Nhật Bản về vật lý trị liệu.
Trình độ dân trí ngày một nâng cao, cái nhìn của xã hội về người khiếm thị nói riêng cũng như người tàn tật nói chung cũng đang thay đổi theo hướng tích cực. Sự cảm thông, chia sẻ giữa người với người trong xã hội đã giúp những người mù hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn.
Bước vào lớp học chữ nổi, chúng tôi có cảm tình với lớp ngay khi các em nhận ra có khách và đứng lên đồng thanh “kính chào” miệng nở nụ cười rất tươi. Không khí buổi học vì thế nhẹ nhàng và hiệu quả. Được cô Đặng Thị Thu Phương, giáo viên phụ trách lớp trao đổi, chúng tôi hiểu dần từng hoàn cảnh các em nơi đây.
Gương mặt dễ mến và luôn mỉm cười với mọi người là điều dễ nhận ra khi tiếp xúc với em Nguyễn Thanh Ngân (đang học lớp 3 tại Hội Người mù tỉnh). Em chia sẻ: “Ba mẹ em đã lớn tuổi, vậy mà vẫn còn cực khổ vì em. Vì vậy em quyết tâm học tập thật giỏi để sau này phụ giúp ba mẹ”. Em khiếm thị nhưng đôi mắt khiếm thị kia biết nói và lan tỏa một nghị lực quyết tâm. Bàn tay nhỏ nhắn của em nhanh nhẹn tiếp xúc với từng chữ nổi. Hiện tại, lớp có 5 em đang học, trong đó 2 em học lớp 3 và 3 em học lớp 1. Cô Đặng Thị Thu Phương cho biết: “Các em học viên ở đây mù mắt chứ không mù nghị lực. Điều quan trọng nhất đối với các em chính là tự mình vươn lên, cố gắng không bao giờ bị dập tắt”.
Người xưa có câu “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, tuy không may mắn được đôi mắt sáng nhưng nhờ sự nỗ lực mạnh mẽ của bản thân, họ vẫn đứng vững và tỏa sáng trong xã hội. Hy vọng những người khiếm thị nơi đây với đôi bàn tay lành lặn sẽ có cuộc sống tốt và biến những ước mơ trở thành hiện thực.