Tuyển dụng người khuyết tật: Cộng đồng cùng chung tay

Cập nhật: 18-04-2011 | 00:00:00

Bếp trưởng hiện nay của Donkey Bakery tại Hà Nội là anh Nguyễn Văn Hợp, một người khiếm thính. Anh Hợp 37 tuổi, quê ở Sơn La và bị khuyết tật nghe bẩm sinh. Anh được một trong hai người sáng lập nhà hàng mời về làm việc và đề nghị anh học làm bánh. Giờ anh đã có một vị trí vững chắc và thu nhập ổn định hằng tháng.

Tại Donkey Bakery (hay hiệu bánh Con lừa) trên đường Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ, hiện có 20 người khuyết tật như anh Hợp làm việc. Họ có thể mang một khuyết tật nào đó nhưng tất cả đều là những nhân viên chăm chỉ.

Chủ hiệu bánh Con lừa, ông Marc Stenfert Kroese , người tự nhận mình là “chú lừa lớn” và trìu mến gọi các nhân viên là “những chú lừa con”, luôn muốn chứng tỏ rằng người khuyết tật có thể làm việc trong môi trường kinh doanh cạnh tranh. Ông hy vọng tạo nên một doanh nghiệp bền vững với đội ngũ nhân viên có ít nhất 80% người khuyết tật. Nguyên tắc tuyển dụng của Donkey Bakery không dựa trên bằng cấp mà dựa vào tính cách, giá trị sống và tinh thần vươn lên học hỏi.

Ông Marc Stenfert Kroese và bà Luyến Shell hợp tác mở hiệu bánh Donkey vào tháng 8 năm 2009. Thời gian đầu, cửa hàng chuyên bán bánh donuts nhưng khá kén khách hàng. Marc quyết định kinh doanh thêm mặt hàng bánh mỳ và hợp tác với một chuyên gia người Đức sang hướng dẫn cho các nhân viên. Ông là một nghệ nhân làm bánh mỳ người Đức đã 75 tuổi, không biết tiếng Việt, chẳng nói được tiếng Anh và dạy theo cách làm bánh mỳ truyền thống của người Đức. Tuy nhiên, những nhân viên khuyết tật tại hiệu bánh Con lừa đã học nghề bằng một ngôn ngữ khác : ngôn ngữ cử chỉ. Sau khi thời gian đào tạo kết thúc, ông già người Đức đã thốt lên : Các bạn là những học trò tuyệt vời.

Một gương mặt thú vị khác ở đây là Trần Quốc Hoàn, 30 tuổi. Tuy không may bị khiếm thị bẩm sinh nhưng Hoàn vẫn giữ cho mình nghị lực sống đáng khâm phục. Từng tốt nghiệp khoa Báo chí (ĐH Khoa học xã hội nhân văn quốc gia), Hoàn làm việc tại hiệu bánh Donkey với vị trí lễ tân, nhận đơn đặt hàng qua điện thoại và website. Hoàn tâm sự, qua công việc, khả năng tiếng Anh của mình đã được cải thiện rất nhiều. Hằng ngày, Hoàn đi làm bằng xe bus. Ngoài ra, bạn cũng tham gia nhiều hoạt động tại câu lạc bộ của người khuyết tật Hà Nội.

Nằm ở một vị trí đắc địa ven hồ Tây, cửa hàng thời trang Chula cũng là một địa chỉ gần gũi với người khuyết tật. Anh Diego Cortizas, chủ hãng Chula Fashion rất say mê khi nói về thời trang và những người lao động đặc biệt của mình. Chula fashion do anh và vợ, chị Laura Fontán, thành lập năm 2006 với dòng sản phẩm cao cấp mang phong cách Latin kết hợp truyền thống Á Đông. Tại đây hiện có 49 người khuyết tật làm việc trong tổng số 56 nhân viên.

Anh Diego cho biết, việc tuyển dụng người khuyết tật tại Chula rất tình cờ nhưng lại là quyết định đúng đắn với anh. Học tập kinh nghiệm từ trường Hoa Sữa, nhân viên đầu tiên làm việc ở Chula là Dương, một cô gái khiếm thính. Cô hiện đã lập gia đình và có hai em bé.

Gắn bó với Việt Nam đã bảy năm, mong muốn của Diego Cortizas khi xây dựng thương hiệu Chula là hình thành không gian mở với khách hàng. Họ tới đây không chỉ đơn giản mua một sản phẩm mà còn có thể xem tất cả các công đoạn sản xuất, giao lưu với những người thợ.

Với bản thân Diego, khái niệm khuyết tật cũng không xa lạ khi trong gia đình, người anh rể cũng bị khuyết tật về trí tuệ và đã qua đời. Một người họ hàng của anh cũng bị khiếm thính. Anh tuyển dụng người khuyết tật như lao động bình thường và nhận thấy, trong nhiều công việc, họ có khả năng làm việc tốt hơn người không khuyết tật do có những kỹ năng khác hơn bù lại. 70% nhân viên tại Chula chưa từng đi làm nên anh chú trọng việc dạy nghề. Với một người khuyết tật bình thường chưa trải qua đào tạo, sau khoảng bảy tháng làm việc và học hỏi tại đây, họ có thể may được một chiếc váy hoàn chỉnh.

Cô gái Nguyễn Thị Bốn, 25 tuổi, đã làm ở Chula hơn hai năm. Công việc ổn định ở đây giúp cô đủ trang trải chi phí gia đình. Sinh ra ở ngoại thành Hà Nội, Bốn đã kết hôn và có một bé trai 4 tuổi xinh xắn. Còn Lưu Thị Miền, 28 tuổi, đến từ huyện Giao Thuỷ, Nam Định đã gắn bó với Chula hơn bốn năm. Mức thu nhập trên bốn triệu đồng giúp cô đủ chi tiêu cho bản thân và phụ giúp gửi tiền về cho bố mẹ. Cô cũng đam mê công việc này vì thích sáng tạo với những mẫu váy đẹp.

Chula cũng có những khoản trợ cấp, dù ít ỏi, cho nhân viên khuyết tật như hỗ trợ nuôi con, thuê nhà hoặc tiền đi lại. Anh Diego khẳng định mình không hề làm công tác từ thiện mà luôn coi những nhân viên khuyết tật của mình như người bình thường, bình đẳng trong công việc, nhận lương và chế độ đãi ngộ như những người không khuyết tật. Anh cho rằng, nếu khuyến khích người khuyết tật vượt qua rào cản xã hội, họ có thể làm được nhiều việc. Tuy rằng, đôi khi họ cần thêm sự hỗ trợ và người sử dụng lao động cũng phải linh hoạt trong một số trường hợp.

Chula Fashion và hiệu bánh Donkey là hai trong số nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận giải thưởng Dải băng xanh của Hội đồng tư vấn người sử dụng lao động về việc làm cho người khuyết tật (BREC) tháng hai vừa qua.

Cộng đồng cùng chung tay

Đánh giá của Văn phòng Lao động quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong khu vực đã nhận ra rằng người khuyết tật có thể làm việc với năng suất tốt và họ còn giúp đem lại nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp. Báo cáo khẳng định, người khuyết tật là những nhân viên tốt và đáng tin cậy, gắn bó lâu dài với công việc hơn, đồng thời là nguồn nhân lực có kỹ năng chưa được khai thác.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Chính sách xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết, Luật Người khuyết tật chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 đã quy định rõ về việc làm đối với người khuyết tật trong ba điều 33,34 và 35. Trong đó nêu rõ, để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khoẻ, đặc điểm của mình. Luật cũng ghi rõ không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc.

Luật khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ông Toản cũng nhận định, sự ra đời của Luật Người khuyết tật thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong chính sách với người khuyết tật, từ khái niệm trợ giúp nhân đạo sang hỗ trợ chính sách.

Chị Phan Thị Cẩm Lý, chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội cho rằng, các quy định của pháp luật đã hình thành cách tiếp cận mới dựa trên quyền của người khuyết tật. Từ đó, xã hội nên loại bỏ dần những rào cản, hướng người khuyết tật tới hoà nhập cộng đồng và nhìn nhận khả năng thực sự của họ trong tuyển dụng. Sự thay đổi căn bản trong nhận thức của cộng đồng là tập trung vào khả năng có thể của người khuyết tật, khuyến khích họ tự lập, tăng cường dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng…

Theo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên