Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.
Mùa tuyển sinh đại học năm 2023 tiếp tục xu hướng phát triển của các kỳ thi đánh giá năng lực với sự tham gia sử dụng kết quả xét tuyển của hàng trăm trường đại học trên cả nước.
Thêm kỳ thi, mở rộng trường xét tuyển
Năm 2023, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh bên cạnh các phương thức truyền thống như xét tuyển thẳng, xét tuyển theo học bạ hay điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trong khi đó, các cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức kỳ thi riêng năm 2022 cho biết sẽ tiếp tục duy trì kỳ thi này. Các đơn vị tổ chức thi tuyển sinh riêng năm 2022 gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Việt Đức, khối trường công an.
Được đông đảo thí sinh quan tâm nhất là kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh do điểm của các kỳ thi này được nhiều trường sử dụng để xét tuyển. Năm 2022, khoảng 60 trường sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Số trường sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là trên 80 trường.
Theo giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023, số trường sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia sẽ tiếp tục tăng lên. Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ có khoảng 70.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi. Đơn vị này sẽ tổ chức thành 8 đợt thi (giảm 4 đợt so với năm 2022) với 17 điểm thi (tăng hai điểm so với năm ngoái).
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 chỉ có hai đợt đăng ký dự thi nhưng quy mô phủ trên 21 tỉnh, thành (tăng 4 tỉnh, thành so với năm 2022) với khoảng 80 điểm thi.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng vừa công bố dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để tuyển sinh đại học năm 2023 thành ba đợt, vào tháng Năm, tháng Sáu và tháng Bảy. Điểm mới đáng chú ý là thời gian tổ chức thi sẽ được giảm xuống còn 150 phút thay vì 270 phút như trước đây. Điểm thi có giá trị sử dụng để xét tuyển vào các trường chấp nhận kết quả thi trong vòng hai năm. Năm 2022, có trên 20 trường đại học, chủ yếu thuộc khối ngành kỹ thuật, sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh.
Thí sinh không cần tới 'lò luyện'
Chia sẻ thông tin về kỳ thi, lãnh đạo các trường đại học có tổ chức thi riêng đều khẳng định thí sinh không cần phải đi luyện thi mà chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình trung học phổ thông là có thể làm tốt bài thi.
Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tiến Thảo cho hay bài thi đánh giá năng lực có phạm vi kiến thức trải rộng ở các môn học trong khi dữ liệu sử dụng cũng vô cùng đa dạng, có thể năm ngoài sách giáo khoa. Bài thi gồm 150 câu hỏi được rút ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi khổng lồ do đơn vị này xây dựng trong nhiều năm qua.
“Đề thi là rất rộng, dữ liệu vô cùng phong phú. Tôi có thể cam kết rằng không một trung tâm nào, một đơn vị nào có đủ khả năng luyện thi hết đối với bộ đề thi khổng lồ của Đại học Quốc gia Hà Nội,” ông Thảo cho hay.
Theo đó, ông Thảo cho rằng việc tìm tới các trung tâm luyện thi chỉ góp phần giúp học sinh có nơi ôn tập, chuẩn bị tâm lý tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi và chỉ là biện pháp tinh thần. “Thí sinh cần có một kế hoạch học tập nghiêm túc và nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình trung học phổ thông là hoàn toàn đạt kết quả cao,” ông Thảo nói.
Tương tự, tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay bài thi đánh giá năng lực không yêu cầu học sinh phải nhớ, học thuộc lòng, không hỏi nhiều chi tiết mà cung cấp rất nhiều dữ kiện, đòi hỏi thí sinh phải tư duy để giải quyết vấn đề.
“Do đó, chúng tôi khuyến khích các em học tốt ở trường và không cần luyện thi. Các em đạt kết quả tốt ở kỳ thi đánh giá năng lực phần lớn là các em không luyện thi mà có cách học tập khoa học, toàn diện, không học lệch, học tủ,” ông Chính chia sẻ.
Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thậm chí khuyên thí sinh không cần đi học thêm để dự kỳ thi đánh giá năng lực của trường này. Thầy Minh cho hay năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực của trường vẫn gồm 8 môn độc lập như năm 2022, gồm các môn Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh. Thí sinh được tùy chọn môn thi theo nhu cầu.
“Đề thi được xây dựng trên chương trình bậc trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản để có thể làm tốt bài thi, không học lệch, học tủ. Thí sinh không nên đi học thêm, không cần luyện thi,” thầy Minh nói./.
Theo TTXVN