Thời điểm này, các trường tiểu học bước vào những ngày cuối của đợt tuyển sinh cũng là lúc cuộc đua “chạy trường” của một số phụ huynh sôi động hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, bộ phận lao động nhập cư tạm trú trên các địa bàn cũng “xất bất xang bang” không kém vì phải lo kiếm chỗ học cho con, đặc biệt là những khu vực giáp ranh, địa bàn nhiều dân nhập cư...
Cô Trương Lê Ngọc Diễm Châu, Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Văn Tám (TX.TDM) cho biết: “Trường chúng tôi chia làm 3 đợt tuyển sinh theo 3 ngày năm, sáu, bảy tương đương với 3 khu phố 3, 4, 9 phường Phú Cường. Trước khi bắt đầu tuyển sinh, trường có gửi thư mời đến từng hộ thông báo ngày giờ cụ thể. Đến thời điểm này, số lượng gần đạt chỉ tiêu nhưng vẫn có một vài trường hợp có tên trong danh sách mà chưa ra lớp...”.
Những ngày đầu tuyển sinh vắng vẻ tại trường L.V.T
Cũng theo cô Châu, danh sách thống kê số học sinh đang độ tuổi vào lớp một tại 3 khu 3, 4, 9 của phường Phú Cường là 416 em, trong đó tại 3 khu 3, 4, 9 theo phân luồng sẽ vào trường Lê Văn Tám (L.V.T) có 70 em; thực tế con số này có sự thay đổi tùy theo đặc thù mỗi năm. Tuy nhiên, 3 ngày đầu tuyển sinh, Hội đồng tuyển sinh trường L.V.T thấy rất lạ vì phụ huynh đến nộp hồ sơ quá ít. Trước ngày tuyển sinh, trường gửi thông báo đến từng hộ dân; trong đó ghi rõ ngày tuyển sinh khu nào để phụ huynh dễ bề sắp xếp. Sau 3 ngày làm việc, số hồ sơ thu nhận vào chỉ mới dừng lại ở con số 36, tức chỉ mới hơn 1/2 con số khu phố đưa lên và xấp xỉ 1/3 chỉ tiêu đề ra (105 học sinh). Trong năm 2010, trường L.V.T tổ chức học bán trú, đáng ra con số học sinh “đầu vào” phải nhiều hơn nhưng thực tế thì ngược lại. Điều bất thường này cũng xảy ra với “người bạn hàng xóm” là trường tiểu học Nguyễn Trãi (N.T). Chỉ tiêu trường N.T là 160 nhưng đến ngày thứ 3 thì con số mới dừng lại khoảng 60 học sinh. Tuy nhiên, đến những ngày cuối tháng 7, N.T được xem là điểm “nóng” vì con số học sinh ra lớp bỗng tăng cao đột ngột?
Khác với những trường trên, cô Nguyễn Thị Vạng, Hiệu trưởng trường tiểu học Phú Thọ cho biết: “2 đợt đầu tuyển sinh phụ huynh đông bất ngờ khiến giáo viên “không kịp trở tay””. Hầu hết là cha mẹ tạm trú nóng lòng cho con em có chỗ học, một số trường hợp có hộ khẩu trên địa bàn phụ huynh vẫn rất “ung dung, họ mua đơn xin dự tuyển vào lớp một “thủ sẵn” để tiếp tục chặng “về đích” của cuộc đua “chạy trường”. Đến ngày 23-7, ghi nhận tại trường tiểu học Phú Thọ có 5 trường hợp như trên.
Sau ngày 12-7 Hội đồng tuyển sinh trường L.V.T nhận vào là 58 hồ sơ, tức thiếu 12 trường hợp so với danh sách khu phố gửi lên, thiếu 47 trường hợp so với chỉ tiêu. Tiến hành điều tra sâu vào từng hộ thì được biết: phụ huynh trả lời rất mập mờ. Cho đến thời điểm cuối tháng 7, con số học sinh chưa ra lớp của trường L.V.T là 11, trường tiểu học Phú Thọ là 5... Tại trường tiểu học Chánh Nghĩa, Bùi Quốc Khánh con số cao hơn rất nhiều. Theo một số giáo viên nhận định: nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phụ huynh đang trong thời gian “chạy” trường cho con em! Yên tâm khi tên con mình có trong danh sách trường học trên địa bàn, một số phụ huynh ra sức “chạy” cho được những trường nổi tiếng hơn ở địa bàn khác, về tâm lý nếu thất bại có thể quay lại “trường nhà” nộp hồ sơ cũng không muộn. Một số gia đình khá giả lại hướng con em đến những trường tư như: Quốc tế Việt Anh, Pétrus Ký. Từ đó, dẫn đến thực trạng phụ huynh của trường A không cho con ra lớp tại trường A mà để “chạy” cho được vào trường B, số ít phụ huynh trường B lại hăm hở “đua” vào trường C... theo kiểu “được voi đòi tiên”!
Thực tế, năm nào cũng vậy cứ vào cuối tháng 7 là thời điểm “chạy trường” lên cao điểm. Nhờ sự chỉ đạo của Sở, Phòng Giáo dục - Đào tạo; năm nay việc chạy trường có giảm nhưng vẫn còn tồn tại bởi nhiều lý do “bất khả kháng”. Kết quả, sau mỗi đợt tuyển sinh, Ban giám hiệu các trường “rối mù” bởi những con số “thực thực, ảo ảo”! Đối chiếu danh sách học sinh khu phố đưa lên với thực tế các em ra lớp tại trường lại xảy ra tình trạng: Có em được ra lớp lại không thấy tên trong danh sách, còn những em có tên trong địa bàn đáng lẽ vào trường thì không biết đi đâu? Khổ nhất là những địa bàn giáp ranh, địa bàn có nhiều dân nhập cư như: Dĩ An, Thuận An, mỗi lớp học phải gồng gánh sỉ số học sinh “khủng”. Đối với phần lớn công nhân lao động nhập cư, chưa nói chuyện trường “điểm”, chỉ cần “có chỗ cho con học ”đã là may mắn lắm rồi.
TÂM TRANG