Tuyên truyền sâu rộng để hạn chế số vụ tai nạn lao động

Cập nhật: 11-05-2022 | 07:52:36

Tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra thường do người lao động (NLĐ) chủ quan, không tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) do doanh nghiệp (DN) đặt ra. Bên cạnh đó, vẫn còn người sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức hoặc chưa xây dựng quy chế về ATVSLĐ tại DN, công tác tuyên truyền về TNLĐ chưa sâu. Việc nâng cao nhận thức, ý thức về ATVSLĐ cho NLĐ cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

 Hàng năm, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn quan tâm, chăm lo NLĐ bị TNLĐ, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATVSLĐ đến từng DN

 Một phút bất cẩn, hối tiếc cả đời

Mỗi năm, toàn tỉnh xảy ra hàng trăm vụ TNLĐ, trong đó có từ 20 - 30 vụ TNLĐ nặng, dẫn đến chết người, tàn tật, mất sức lao động trên 70%. Từ đó, NLĐ trở thành gánh nặng cho gia đình. Nguyên nhân xảy ra TNLĐ chủ yếu do người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm, xây dựng quy chế về ATVSLĐ nghiêm ngặt cũng như chế độ khen thưởng, xử phạt TNLĐ tại DN của mình. Cán bộ quản lý thiếu kiểm tra, nhắc nhở công nhân lao động trong thực hiện nhiệm vụ, vi phạm quy trình ATVSLĐ. NLĐ chưa được trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân, chủ quan, bất cẩn khi thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, sự chủ quan, bất cẩn trong giờ làm việc thường dẫn đến những TNLĐ rất khó lường. Điển hình như TNLĐ của anh Võ Trọng Tính, sinh năm 1988, quê tỉnh Đồng Tháp, công nhân Công ty TNHH Việt Nam Onamba (KCN VSIP II). Anh Tính làm ở khâu quản lý kho. Trong lúc anh Tính đang làm việc, một công nhân chung tổ không rành về xe nâng lại leo lên xe chạy thử và không làm chủ được xe. Chiếc xe đã lao đến vị trí anh Tính đang đứng và cán nát xương chân phải. Từ một người mạnh khỏe, anh Tính thành người tàn phế, mất sức lao động. Phía DN đã hỗ trợ anh bằng cách sắp xếp việc làm nhẹ, đúng sức lao động, không tăng ca. Từ một trụ cột gia đình, nay anh trở thành gánh nặng cho vợ con.

Qua vụ việc trên cho thấy, sự chủ quan, bất cẩn, không tuân thủ nghiêm các biện pháp về ATVSLĐ trong giờ làm việc của NLĐ có thể làm cho TNLĐ xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, những NLĐ chưa có thâm niên thường dẫn đến sai phạm. Vì thế, phía DN, cơ sở sản xuất phải đẩy mạnh tuyên truyền về ATVSLĐ ngay từ khi họ đặt chân vào nhà máy. Công tác kiểm tra, nhắc nhở phải thực hiện thường xuyên.

Xây dựng quy chế khen thưởng, xử phạt

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Gỗ Tân Nhật (KCN Nam Tân Uyên), cho hay: “Để hạn chế TNLĐ, việc đầu tư dây chuyền sản xuất an toàn, bảo hộ cho công nhân hay đẩy mạnh tuyên truyền ATVSLĐ là thiết yếu, bắt buộc nhưng chưa đủ. DN phải xây dựng cơ chế khen thưởng, xử phạt trong vấn đề này”.

Tại Công ty Gỗ Tân Nhật, Ban Giám đốc công ty xây dựng nhóm tuyên truyền xuyên suốt về ATVSLĐ hàng năm chứ không chỉ tập trung vào Tháng ATVSLĐ. Sau mỗi ngày làm việc, NLĐ phải dọn dẹp ngăn nắp khu vực mình làm việc, đứng máy. Cuối ngày sẽ có tổ kiểm tra, ghi nhận việc này. Hàng tháng và quý, công ty tổ chức đánh giá, bình bầu đưa ra mức khen thưởng cho những cá nhân, tổ thực hiện tốt và khen thưởng bằng tiền mặt. Còn những tổ chưa thực hiện tốt sẽ bị trừ tiền thi đua. Nội dung này còn được đưa vào quy chế khen thưởng cuối năm nên NLĐ công ty nâng cao ý thức ATVSLĐ mỗi ngày.

“Công ty chúng tôi làm nghề sản xuất gỗ. Mỗi ngày, NLĐ tiếp xúc với máy cắt và đủ loại máy móc khác nên vấn đề ATVSLĐ cho NLĐ là rất quan trọng. Chúng tôi quy định rất rõ, thứ nhất máy của người nào người đó đứng, bất kể lý do gì cũng không được đổi máy. Thứ 2, khi máy móc hư hỏng, NLĐ không được tự sửa, phải báo cho nhân viên kỹ thuật đến sửa. Thứ 3, công nhân ở tổ này không được di chuyển đến tổ khác trong giờ làm khi chưa được cho phép... Nhờ đặt ra quy định nghiêm ngặt trong giờ làm mà những năm gần đây, công ty chúng tôi không xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào”, ông Dũng nói.

Để nâng cao ý thức về ATVSLĐ cho NLĐ, thời gian qua các cấp công đoàn trong tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Các cấp công đoàn còn tổ chức các hội thi để cán bộ công đoàn cơ sở, NLĐ học tập kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó áp dụng hiệu quả vào DN, đơn vị của mình. Điển hình như hội thi “An toàn, vệ sinh viên giỏi” tại KCN VSIP. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn được đẩy mạnh qua hàng năm. Công tác tự kiểm tra ATVSLĐ tại DN cũng được nâng lên, tạo ra phong trào thi đua ATVSLĐ trên toàn tỉnh.

Năm nay, thực hiện Tháng ATVSLĐ, Ban Chỉ đạo ATVSLĐ tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến đến hàng ngàn DN, tổ chức ký cam kết vấn đề ATVSLĐ, phòng cháy chữa cháy đến từng đơn vị.

 Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tháng ATVSLĐ tỉnh: “Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng các hoạt động thường xuyên trong năm như tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ cho người quản lý phụ trách công tác ATVSLĐ (nhóm 1), người làm công tác ATVSLĐ (nhóm 2), người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ (nhóm 3). Ban Chỉ đạo cũng tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng cháy chữa cháy cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tư vấn xây dựng hệ thống quản lý về ATVSLĐ cho DN; hướng dẫn, tư vấn các DN, cơ sở sản xuất tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp”.

 QUANG TÁM  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên