Hòa giải cơ sở thành công có vai trò quan trọng trong việc giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Thời gian qua, TX.Tân Uyên luôn chú trọng, củng cố và kiện toàn các tổ chức hòa giải ở cơ sở.
Một buổi hòa giải tại khu phố Bình Hòa 2, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên
Ông Đỗ Hữu Trí, Phó trưởng Phòng Tư pháp TX.Tân Uyên, cho biết thời gian qua thị xã có nhiều thay đổi và phát triển nên trật tự an toàn xã hội cũng có sự tác động, trong đó xuất hiện các mâu thuẫn như các vụ tranh chấp đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình… Do đó, để bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trong nhân dân, ngành tư pháp thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải để giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tại địa phương, giảm bớt các khiếu nại đến cơ quan cấp trên. Mới đây, Phòng Tư pháp đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ bồi dưỡng kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên, các quy định về cách thức tiếp nhận và xử lý đơn, trình tự thủ tục hòa giải, cách thức xác lập biên bản hòa giải xử lý các trường hợp hòa giải thành, không thành, đồng thời cập nhật một số quy định mới của pháp luật liên quan đến công tác hòa giải.
Hiện trên địa bàn TX.Tân Uyên có 70 tổ hòa giải với 590 hòa giải viên. Từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và hòa giải 77 đơn. Kết quả hòa giải thành được 74/77 đơn, đạt tỷ lệ 96,1%, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.
Trong năm 2021, do dịch bệnh kéo dài và giãn cách xã hội nhưng Phòng Tư pháp thị xã đã nỗ lực phối hợp cùng UBND các xã, phường đã tổ chức tuyên truyền được 923 cuộc với 41.535 lượt người dự; phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài truyền thanh thị xã và đài truyền thanh các xã, phường tuyên truyền, phổ biến được 672 tin bài với 3.197 giờ với các nội dung về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, ANTT, an toàn giao thông... Ông Đỗ Hữu Trí nhấn mạnh để công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả thiết thực, cán bộ tư pháp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các tổ hòa giải; theo dõi, thống kê các vụ việc để tổ chức hòa giải. Song song đó, ngành tư pháp cũng kịp thời biểu dương các tổ, hòa giải viên có cách làm hay để nhân rộng. Khi có vụ việc xảy ra, các tổ hòa giải cần họp bàn, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất; hướng dẫn, giúp đỡ các bên tự nguyện giải quyết với nhau, không để mâu thuẫn phát sinh, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Thực tế cho thấy ở đâu làm tốt công tác hòa giải thì ở đó tình hình ANTT được ổn định.
Chú trọng công tác hòa giải trong công nhân Nói về công tác hòa giải cơ sở, bà Lưu Thị Tuyết Trinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TX.Tân Uyên, cho biết việc nắm bắt tình hình để hòa giải những mâu thuẫn trong công nhân lao động luôn được chú trọng. Trong năm qua, LĐLĐ thị xã tham gia cùng đoàn liên ngành hòa giải thành 5 vụ tranh chấp lao động tập thể. Theo bà Trinh, để hòa giải thành, hòa giải viên cần phải nghiên cứu kỹ Bộ luật Lao động và các quy định pháp luật có liên quan, phải tìm hiểu nguyên nhân của mâu thuẫn, từ đó xác định được các vi phạm của các bên trong quan hệ lao động và kịp thời giải quyết. Khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên phải khách quan, trung thực; vừa tuyên truyền chính sách pháp luật, vừa áp dụng pháp luật vào vụ tranh chấp để các bên nhận ra những điểm đúng - sai và khắc phục. Hòa giải viên phải có thái độ nghiêm túc, biết lắng nghe các bên trình bày để giúp họ thực hiện đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi của mình. |
QUỲNH ANH