TX.Tân Uyên: Trám lấp giếng hư hỏng cho gia đình khó khăn

Cập nhật: 11-08-2016 | 07:00:05

 Những năm gần đây, mực nước ngầm vào mùa khô ở TX.Tân Uyên bị giảm sút làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Vì vậy, bên cạnh việc trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng là nhiệm vụ cần thiết, TX.Tân Uyên còn chú tâm hỗ trợ trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng của các hộ thuộc diện gia đình khó khăn và vắng chủ trên địa bàn để bảo vệ môi trường…

 Sự cần thiết của việc trám lấp giếng hư hỏng

Con số thống kê thời gian gần đây cho biết, TX.Tân Uyên hiện có hơn 400 giếng bỏ hoang, không sử dụng chưa được người dân trám lấp, trong đó giếng của hộ gia đình và giếng của doanh nghiệp. Chính vì chưa trám lấp, nên chất bẩn từ mặt đất thấm vào tầng nước ngầm qua những giếng khoan hoặc giếng đào bị hư hỏng gây nên nhiều hệ lụy. Đó không chỉ là tác nhân gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến tầng nước ngầm trong mùa khô.

Giếng khoan được trám lấp theo đúng quy trình đã được ngành tập huấn

Kết quả quan trắc dưới nước cho thấy mực nước ngầm trong mùa khô thấp hơn mùa mưa 0,87m. Một số khu vực cục bộ hàm lượng sắt, flour, amoniac vượt giới hạn theo quy chuẩn từ 1,1 - 3,9 lần. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm, việc trám lấp giếng không sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ lâu, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND các cấp tổ chức các cuộc điều tra, thống kê số lượng giếng hỏng cần xử lý trên địa bàn. Đến nay, TX.Tân Uyên đã xử lý trám lấp rất nhiều giếng, trong số đó TX.Tân Uyên cũng đã chi hỗ trợ cho hộ nghèo trám lấp hàng chục giếng…

Bên cạnh ý nghĩa bảo vệ môi trường, việc bảo vệ nguồn nước ngầm gắn với công tác kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm cũng được TX.Tân Uyên quan tâm. Một số mục tiêu được thị xã đề ra, trong đó hạn chế những ngành nghề gây ô nhiễm môi trường. Một số khu vực chưa được đầu tư hạ tầng thoát nước thì không bố trí các ngành nghề sản xuất có lượng nước thải cho tự thấm hơn 10m3/ngày/đêm. Ngoài biện pháp tuyên truyền trám lấp giếng hư hỏng, việc triển khai sử dụng nước cấp đối với những nơi có hệ thống cấp nước thủy cục cũng được TX.Tân Uyên ưu tiên.

Quy trình trám lấp được hỗ trợ

Gia đình ông Đoàn Văn Báu, tổ 2, ấp 2, xã An Mỹ là nơi được hỗ trợ trám lấp giếng cách đây vài năm. Gia đình ông đào giếng sâu 6,5m nhưng đến năm 1990, không sử dụng nữa. Quanh thân giếng có những ổ mối bị đùn. Ông cho biết: “Giếng nhà không sử dụng đã lâu nhưng do nhà cũng neo đơn nên không thể tự lấp giếng được. Tôi đã đổ đan đóng cứng theo quy cách 5m bảo đảm cho nguồn nước sạch. Từ khi được sự giúp đỡ của chính quyền có kinh phí để trám lấp giếng, tôi rất vui”. Ngoài việc giúp đỡ người dân trám lấp giếng đào, TX.Tân Uyên cũng thực hiện giúp đỡ các doanh nghiệp. Cụ thể như Công ty TNHH Công nghiệp Thread Viêt Nam, khu phố Tân Mỹ, phường Thái Hòa từ khi thực hiện đến nay, đã sử dụng 2 nguồn nước giếng khoan và từ nhà máy nước Dĩ An. Trước năm 2006, công ty có 2 giếng nước khoan bị hư hỏng không sử dụng do đơn vị thi công công trình để lại. Sau khi công ty báo với Phòng Tài nguyên và Môi trường để xử lý, 2 giếng đã được trám lấp theo đúng quy trình, bảo đảm môi trường.

Để tiếp tục hỗ trợ trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng của các hộ thuộc diện gia đình khó khăn và giếng vắng chủ, tháng 7 vừa qua, TX.Tân Uyên tiếp tục xây dựng kế hoạch và huy động đoàn viên chi đoàn Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đoàn thanh niên các xã, phường tham gia; đồng thời huy động các phương tiện xe ben, xe rìa, máy dầm… để trám lấp 12 giếng, trong đó có 11 giếng đào và 1 giếng khoan. Đối với giếng đào, vật liệu trám lấp là đất sét, khối lượng khoảng từ 10 - 30m3 và 11 bệ bê tông. Còn đối với giếng khoan có 300kg vữa xi măng, 1 bệ bê tông…

Kỹ thuật trám lấp giếng hư hỏng không sử dụng cũng theo đúng quy trình. Trình tự thi công, tiến hành trám lấp từ dưới đáy lên theo từng đoạn. Sau mỗi đoạn khoảng 2m thì đầm nén chặt. Công việc cứ tiếp tục cho đến khi lấp đầy miệng giếng. Đối với giếng khoan đường kính khoảng 60mm, vật liệu trám lấp là hỗn hợp lỏng pha trộn gồm xi măng và nước. Quy trình thi công, dùng phễu đưa hỗn hợp này vào giếng từ từ cho đến khi đầy miệng. Để kết thúc quá trình trám lấp, trên mặt đất sẽ được đổ bệ xi măng. Bằng cách này, các giếng hư hỏng không sử dụng được trám lấp sẽ không có hiện tượng chất bẩn từ trên vào tầng nước ngầm.

Trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng ở TX.Tân Uyên không chỉ giúp người dân thực hiện nghĩa vụ của mình mà còn bảo đảm quyền lợi của họ theo đúng chủ trương, chính sách Nhà nước đề ra.

P.V 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=583
Quay lên trên