Tính đến cuối tuần qua, TX.TDM đã có 218 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Theo các cơ quan chức năng, mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch nhưng số ca mắc bệnh vẫn đứng đầu của tỉnh. Nguyên nhân của vấn đề này vẫn thuộc về ý thức người dân trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT).
SXH hoành hành
Trong khi toàn tỉnh, dịch bệnh SXH giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2009 thì TX.TDM không hề giảm, đặc biệt ổ dịch nhỏ còn tăng hơn. Địa bàn “dẫn đầu” là phường Phú Hòa với 44 ca, Phú Lợi 27 ca và Hiệp Thành 22 ca... Nói về vấn đề này, bác sĩ Phan Kim Sương, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế (TTYT) TX.TDM cho biết, để chủ động ứng phó với dịch bệnh, ngay từ đầu mùa mưa (tháng 5, 6), Trung tâm Y tế đã triển khai công tác diệt lăng quăng và phun xịt diệt trừ muỗi trên diện rộng ở các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, số ca SXH vẫn cứ tăng từng ngày. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã phát hiện 66 ổ dịch nhỏ, trong đó dập được 48 ổ dịch. Số ổ dịch không được tìm thấy cũng khá cao, điều này gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bởi mức độ lây lan sẽ rất cao.
Phun xịt hóa chất chỉ diệt được muỗi chứ không diệt được lăng quăng, sau đó chúng lại nở thành muỗi gây bệnh
Để tiếp tục phòng chống dịch SXH có hiệu quả, TTYT TX.TDM lên phương án sẽ triển khai diệt lăng quăng đợt 2 vào tháng 9-2010 ở 13 xã, phường trên địa bàn.
Vệ sinh môi trường - Cần được quan tâm nhiều hơn
Theo bác sĩ Phan Kim Sương thì nguyên nhân của dịch bệnh SXH là do không bảo đảm vệ sinh môi trường. Cống thoát nước không được khơi thông, ao tù nước đọng... tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở. Để phòng chống SXH không có biện pháp nào hữu hiệu bằng việc diệt lăng quăng, tuy nhiên để triển khai công tác này không hề đơn giản. Vướng mắc lớn nhất vẫn là ý thức người dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, cho biết: Để phòng chống dịch bệnh SXH, ngay từ đầu mùa mưa, các ngành chức năng đã phối hợp với Trạm Y tế phường, TTYT TX.TDM ra quân diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng. Còn về vấn đề VSMT thì được triển khai thường xuyên bởi không chỉ phòng chống dịch mà còn là thực hiện Chỉ thị số 01/2009/CT-UBND ngày 21-4-2009 về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm giữ gìn vệ sinh sạch đẹp trên địa bàn TX.TDM đến năm 2010.
Mặc dù VSMT được triển khai thường xuyên nhưng xem ra ý thức của người dân chưa chuyển biến nhiều. Khảo sát tại khu phố 8, phường Phú Hòa - nơi có nhiều ca SXH thì tình hình rác thải ở các khu vực công cộng vẫn chưa được bảo đảm. Rác thải sinh hoạt bị vứt lung tung; trên các tuyến đường, cỏ mọc um tùm, cống thoát nước vẫn còn ứ đọng... đây là điều kiện cho muỗi phát triển. Ông Huỳnh Văn Tiên, Trưởng khu phố nói: “Tôi cũng không biết tại sao địa bàn mình lại có nhiều ca mắc SXH, bởi chúng tôi thường xuyên ra quân tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường. Người dân cũng tích cực tham gia cùng với ngành chức năng ra quân diệt lăng quăng, phun xịt muỗi... Tôi nghĩ do địa bàn khu phố 8 đất đai còn rộng nên cây cối um tùm, cộng vào đó là các vật dụng phế thải chứa nước mưa trong vườn nhiều nên chứa lăng quang, sinh muỗi gây bệnh”.
Cống thoát nước như thế này là nơi chứa lăng quăng
Còn ở nhiều khu dân cư, nhất là nhà trọ ở phường Phú Lợi, Phú Mỹ... cũng không khá hơn. Chị Nguyễn Hồng Hạnh ở phường Phú Lợi tỏ ra bức xúc: “Nhà mình ở mình gọn gàng nhưng nhiều khu nhà trọ thì bẩn vô cùng. Họ chỉ dọn rác trong phòng thôi còn khu vực sử dụng chung thì... cha chung không ai khóc. Rác thải xả lung tung. Nói chung ý thức của một số người dân về VSMT cũng chưa được nâng cao, trong khi phòng chống dịch bệnh đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng, chứ 1, 2 cá nhân không thể làm được”.
Khi mắc bệnh thì người dân lo lắng nhưng việc phòng chống dịch thì chưa thực sự quan tâm. Người dân hãy tích cực thực hiện VSMT xung quanh nơi mình ở để không mắc bệnh SXH.
THU THẢO