Việc sắp xếp số nhà đối với một đô thị là việc làm cần thiết, bởi số nhà không chỉ thể hiện nơi cư trú hợp pháp theo Luật Cư trú, mà còn là một địa chỉ dùng để liên lạc thư từ, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân, sở hữu nhà hợp pháp... Tình trạng số nhà lộn xộn thường do một số người dân tự ý chọn, gắn số nhà, thích số nào là gắn vào số đó. Một số do còn vướng thủ tục nên cấp có thẩm quyền chưa thể tiến hành lập lại trật tự cho số nhà.
Trên một con đường, số nhà mới, cũ lộn xộn, không theo trật tự nàoTìm số nhà hoa cả mắt
Việc tìm số nhà ở khu phố mới còn dễ, chứ tìm số nhà ở khu phố cũ thì tìm... đến hoa cả mắt. Hôm nọ, chúng tôi có việc cần tìm một địa chỉ nằm trên đường Yersin (TX.TDM). Ngay góc đường Yersin với đại lộ Bình Dương, hướng từ ngã tư Chợ Đình (bên phải đường Yersin), hai cửa hàng điện thoại di động kề nhau, một cửa hàng có địa chỉ là số 229, đường Yesin, còn một cửa hàng kế bên có địa chỉ là số 4. Tiếp đó, cách vài căn nhà thì có địa chỉ số 14, rồi cạnh đó là một tòa nhà Hiệp hội đầu tư có địa chỉ là 63. Chúng tôi cứ nghĩ, đánh số nhà là theo nguyên tắc đánh theo thứ tự liên tiếp với số nhà, bên phải là số chẵn, số lẻ nằm ở đường bên trái. Đi đến số 63, chúng tôi tiếp tục đi nữa, đến đoạn gần Công ty Hoàng Gia Cát Tường, thì thấy tòa nhà đang xây lừng lững đeo số 32, kế đó là một mỹ viện chăm sóc sắc đẹp có treo biển số nhà 199. Tiếp một đoạn đường vài chục mét, một số nhà 100 được gắn trước cửa nhà, ở bên dưới thể hiện số cũ 133. Lúc này, chúng tôi ngẫm nghĩ, chắc trên đường này vừa có số mới, số cũ, nên mới lằng nhằng như thế. Nhưng có một điểm đáng chú ý đó là nhiều khi nhìn không phân biệt đâu là số nhà mới, đâu là số nhà cũ và đánh số nhà theo nguyên tắc như thế nào? Hầu như, suốt cả một con đường, số nhà được đánh không theo một trật tự nào.
Ông Từ Thanh Xuân, cán bộ Phòng Quản lý đô thị TX.TDM cho biết: “Nguyên tắc đánh số nhà theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, nhà bên phải là số chẵn, nhà bên trái là số lẻ. Tình trạng số nhà lộn xộn như trên, do nhiều nguyên nhân. Phòng quản lý đô thị TX.TDM đã đổi số mới mà nhiều hộ dân không treo biển số nhà mới, mà cứ treo biển số cũ”.
Hướng mới... cho số nhà
Tình trạng lộn xộn số nhà này thường do một số người dân tự ý chọn, gắn số nhà, thích số nào là gắn vào số đó. Một số do còn vướng thủ tục nên cấp có thẩm quyền chưa thể tiến hành lập lại trật tự cho số nhà.
Theo ông Xuân, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD về việc ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà. Theo như quy chế này, số nhà đồng nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện yêu cầu giao tiếp, tiếp nhận các thông tin, thư tín, liên lạc, giao dịch thương mại, giao dịch dân sự và các giao dịch khác. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng hy vọng qua quy chế này sẽ góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị và điểm dân cư nông thôn, quản lý nhà đất, thông tin liên lạc... quản lý dân cư theo quy định của pháp luật. Quy chế này cũng quy định rất rõ ràng về nguyên tắc đánh số nhà cũng như cấu tạo các loại biển số.
Tuy nhiên, trước đây cũng đã có quy định về đánh số nhà nhưng số nhà vẫn bị đánh lộn xộn. Không ít người hoài cổ hay do sợ thư từ không đến nơi nên nhất định không dỡ số cũ đi thế là nhà thì số mới, nhà lại số cũ cứ như ma trận. Cũng chẳng ít người vì thích số đẹp... mà giữ lại số nhà cũ và thế là chỉ có mỗi cái số nhà đã loạn cả lên.
Vậy là, tình trạng “loạn số nhà” còn phải mất một thời gian dài nữa mới có thể giải quyết triệt để.
THOẠI PHƯƠNG
Quy chế của Bộ Xây dựng: Nguyên tắc chung để đánh số nhà mặt đường và nhà trong ngõ, ngách: sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3..., n) với thứ tự từ nhỏ đến lớn, nhà bên trái lấy số lẻ, nhà bên phải lấy số chẵn, theo hướng từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, từ đông bắc sang tây nam, từ đông nam sang tây bắc. Trường hợp một nhà có nhiều cửa ra vào từ nhiều đường, phố, ngõ, ngách khác nhau thì biển số nhà được gắn ở cửa chính. Nếu nhà có cửa chính ở tại góc hai đường, phố, ngõ, ngách thì nhà đó được đánh số và gắn biển theo đường, phố, ngõ, ngách lớn hơn. Quy chế áp dụng tại khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn trong cả nước.