TX.Thuận An: Chủ động phòng chống mưa bão, triều cường

Cập nhật: 10-10-2011 | 00:00:00

 Đến hẹn lại lên cứ vào mùa mưa, lượng nước mưa kết hợp với triều cường và các đợt xả lũ từ hồ Dầu Tiếng đã khiến nhiều hộ gia đình dọc sông Sài Gòn khu vực Thuận An bị ngập, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của bà con.  

Đê bao An Sơn - Lái Thiêu cần được hoàn chỉnh để hạn chế thiệt hại trong mùa mưa lũ

Thiệt hại

Nhìn lại một vài con số thiệt hại để có thể thấy mức độ ảnh hưởng không phải là nhỏ nếu lơ là công tác phòng chống lụt bão (PCLB). Trong năm 2010 trên địa bàn TX.Thuận An xảy ra 2 đợt lốc xoáy (vào các ngày 18-5 và 6-10) gây thiệt hại trên địa bàn các xã  phường Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn, Bình Chuẩn, làm sập và tốc mái 67 căn nhà, gãy, đổ hơn 1.300 cây ăn trái các loại, ước thiệt hại 2,2 tỷ đồng. Thêm vào đó, 4 đợt triều cường lớn từ tháng 10 đến 12 cũng ảnh hưởng đến cuộc sống 250 hộ dân ở các xã phường ven sông Sài Gòn, ngập 185 ha vườn cây, 15 ha hoa màu, giảm năng suất từ 30 - 40%, ngập 53 căn nhà, đời sống nhân dân trong vùng bị ngập gặp nhiều khó khăn, 4 con đường nông thôn bị hư hỏng mức độ từ 20 - 30% với chiều dài 1.130m. Ước tính thiệt hại trong các đợt triều cường khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong đó phường Vĩnh Phú bị thiệt hại nặng nhất. Nguyên nhân ngập do hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu chưa hoàn chỉnh nên không ngăn được triều cường, hệ thống bờ bao trục thoát nước Sóng Thần - Đồng An bị xuống cấp.

Các xã, phường đã khảo sát, thực hiện kế hoạch phòng chống lụt bão, hoàn thành thực hiện nạo vét, khai thông 29 công trình có tổng chiều dài 17.065m với kinh phí hơn 19.197.101.296 đồng, tổ chức nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng ở các phường, xã An Sơn, An Thạnh, Bình Nhâm, Lái Thiêu, Vĩnh Phú và Bình Hòa. Tháng 4-2011, trước khi bước vào mùa mưa bão, TX.Thuận An cũng đã tiến hành kiểm tra tại 10 xã, phường, rà soát bờ bao và những điểm xung yếu.

Chủ động PCLB

Xác định công tác phòng ngừa là chủ yếu nhằm bảo đảm sản xuất, đời sống sinh hoạt, tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước các vùng ven sông Sài Gòn, năm 2011, TX.Thuận An đã triển khai thực hiện phương châm 4 chỗ. Đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.

Mặt khác, còn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến công tác PCLB để các ban ngành và nhân dân quan tâm hơn, chủ động phòng tránh. Trên cơ sở các cột mốc mức báo động, TX.Thuận An tổ chức điều tra đánh giá tình hình dân sinh, kinh tế, sản xuất trong khu vực bị ảnh hưởng lũ để có kế hoạch chỉ đạo. Ban chỉ huy PCLB các ngành, các xã phường cũng chủ động bổ sung kế hoạch, chú ý về huy động lực lượng, mỗi xã phường phải có một trung đội thường trực, mỗi ấp, khu phố xây dựng một trung đội để ứng cứu, dự trữ vật tư, thuốc men tại chỗ và nhu yếu phẩm cần thiết cũng như địa điểm di dời để ứng cứu và hỗ trợ người dân.

Ông Đỗ Thanh Sử, Trưởng phòng Kinh tế TX.Thuận An cho biết: “Những tồn đọng trong công tác PCLB của TX.Thuận An hiện tại là ở đê bao An Sơn - Lái Thiêu thi công chưa hoàn chỉnh. Hệ thống đê cơ bản đã xong còn cống trên đê An Sơn chưa xong (thi công từ năm 2003). Hàng năm khi triều cường lên, mưa lớn gây tích nước kết hợp với yếu tố thi công chưa tốt của đơn vị thực hiện làm các cống đê quay không hoạt động được gây ứ nước. 24 cống trên sông Sài Gòn vận hành nắp cống theo giờ hành chính nên không đáp ứng được nhu cầu tiêu, thoát nước của dân, gây khó khăn trong quá trình sinh hoạt và sản xuất”.

THANH LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=223
Quay lên trên