Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, sau một năm triển khai, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã có tác động tích cực. Khảo sát cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến hàng Việt đã lên trên 50% so với 28% trước kia.
Ngày 18-2, Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tới dự.
Người dân xã Vĩnh Bình, Châu Thành, An Giang chọn mua sản phẩm tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn ngày 8-3-2010
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, tâm lý tiêu dùng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Khảo sát cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến hàng Việt đã lên trên 50% so với 28% trước kia.
Tỷ lệ trưng bày sản phẩm nội của các nhà phân phối đã tăng cao. So với con số khoảng 60%, đến nay các doanh nghiệp có hệ thống phân phối khá mạnh như CorpMart hoặc Hapro có lúc đã trưng bày tới 90% hàng nội địa.
Trong dịp Tết vừa qua, tỷ lệ hàng Việt tiêu thụ trong hệ thống Co.opMart, Co.opFood và cửa hàng Co.op tăng 58% so cùng kỳ, trong khi hàng ngoại nhập chỉ tăng 22%.
Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh số của hầu hết các doanh nghiệp tham gia chương trình ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đều cao hơn những năm trước. Điển hình tại thị trường miền Trung, doanh thu sữa Vinamilk đã tăng 70% so với năm trước, sản phẩm của Công ty Dệt may 29/3 tăng thêm 70% các cửa hàng bán sản phẩm tại khu vực này.
Dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Trung tâm BSA đã tổ chức được 43 đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Trong năm 2010, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức được 109 đợt bán hàng về nông thôn của các doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã hỗ trợ tổ chức 24 đợt bán hàng cho công nhân tại các khu công nghiệp trên cả 3 miền.
Các Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức 78 chương trình khuyến mại với hơn 2.000 lượt doanh nghiệp tham gia; tiếp nhận và theo dõi hơn 200 đợt bán hàng khuyến mại, với hơn 16.000 lượt doanh nghiệp tham gia; tổ chức 151 hội chợ, triển lãm, thu hút hơn 12.000 doanh nghiệp tham gia...
Quyết định sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp
Đánh giá tác động tích cực của CVĐ với việc thay đổi nhận thức của toàn xã hội, Phó Thủ tướng cũng lưu ý chính quyền, đoàn thể một số nơi chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của CVĐ), một số doanh nghiệp chưa xác định rõ tầm quan trọng của CVĐ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, CVĐ có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Những biện pháp cụ thể là đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, sử dụng hàng Việt trong mua sắm công... Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… cần đề xuất các cơ chế phù hợp, giúp cho CVĐ có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, bản thân doanh nghiệp cần hết sức tích cực mở rộng hiệu quả hệ thống bán hàng và sáng tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, cần đẩy mạnh các hoạt động như điều tra khảo sát thị trường, người tiêu dùng, mạng lưới phân phối, triển lãm, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đưa hàng về nông thôn, các khu công nghiệp, sản xuất hàng hóa có chất lượng, tạo thương hiệu tốt.
Theo thống kê, người dân Việt Nam có tỷ lệ tiêu dùng cao (chiếm khoảng 70% GDP) và đây là lý do khiến các doanh nghiệp nước ngoài rất mong muốn vào thị trường Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ để phát triển hệ thống phân phối để có thể cạnh tranh với nước ngoài.
Ban Chỉ đạo cần xây dựng những tiêu chí cụ thể đánh giá việc thực hiện CVĐ, các đơn vị như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi đánh giá và tôn vinh các doanh nghiệp cũng cần có thêm những tiêu chí chi tiết hơn.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp tiếp tục hưởng ứng CVĐ, góp phần phát huy nội lực trong nước, giảm nhập siêu, thực hiện kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Chinhphu.vn