Xét nghiệm đường huyết cho người dân. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh đái tháo đường thực sự là "kẻ giết người thầm lặng" do nhiều bệnh nhân được chẩn đoán muộn. Hiện Việt Nam có khoảng 5,3 triệu người bị tiền đái tháo đường và 2/3 số này (chiếm 70%) sẽ chuyển thành đái tháo đường với nguy cơ tử vong cao.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng. Bệnh không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn mà xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh từ miền núi đến trung du, đồng bằng.
Đáng chú ý, hiện nay những tiến bộ của khoa học công nghệ trong điều trị bệnh đái tháo đường với liệu pháp insulin giúp bệnh nhân đái tháo đường kéo dài được tuổi thọ nhiều năm.
Tại hội thảo khoa học “Khởi đầu thập kỷ mới với liệu pháp insulin nền” các chuyên gia cho hay có bệnh nhân đái tháo đường typ 1 và typ 2. Bệnh đái tháo đường typ 1 (phụ thuộc insulin cơ thể không tiết ra insulin) xảy ra khi những rối loạn hệ miễn dịch khiến tế bào beta trong tuyến tụy bị triệt tiêu gần hết. Không có những tế bào này, tuyến tụy mất khả năng sản sinh insulin để cân bằng và chuyển hóa lượng glucose (hay còn gọi là đường huyết) trong cơ thể.
Người bệnh đái tháo đường typ 2 vẫn sản sinh insulin như bình thường, nhưng cơ thể lại không thể sử dụng insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng cho tế bào (kiểu chìa khóa không mở cửa tế bào mà cứ ở ngoài) dẫn đến không hấp thụ được.
Phó giáo sư Nguyễn Thy Khuê - Chủ tịch Liên chi Hội Đái tháo đường & Nội tiết Thành phố Hồ Chí Minh phân tích insulin ra đời và phát triển trong một thế kỷ qua đã giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các bệnh nhân đái tháo đường típ 1 và típ 2. Trước năm 1921, các bệnh nhân đái tháo đường típ 1 thường bị suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, nhiễm toan ceton... và chỉ sống được tối đa 2 năm. Trong vòng nửa thế kỷ gần đây, bệnh đái tháo đường típ 2 cũng đã trở thành đại dịch trên toàn cầu.
Theo phó giáo sư Khuê, việc điều trị bệnh đái tháo đường với insulin đã có nhiều cải tiến đáng kể góp phần kéo dài tuổi thọ của những người mắc bệnh đái tháo đường, bao gồm sự thay đổi từ insulin chiết xuất từ động vật với nhiều tạp chất, nồng độ thấp cho đến insulin giống của người cực kỳ tinh khiết; từ dụng cụ bơm tiêm phức tạp cho đến bút insulin tiện lợi và hiện nay là dụng cụ cảm ứng đường huyết…
Hội thảo khoa học “Khởi đầu thập kỷ mới với liệu pháp insulin nền” được Tổng hội Y học Việt Nam (VMA) và Liên chi Hội Đái tháo đường & Nội tiết Thành phố Hồ Chí Minh (HADE) phối hợp với Công ty Sanofi-Aventis Việt Nam (Sanofi) vừa tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đánh dấu cột mốc 100 năm phát triển của insulin và là dịp để các chuyên gia y tế trong và ngoài nước thảo luận vai trò của insulin nền trong việc điều trị đái tháo đường.
Các chuyên gia thảo luận về điều trị bệnh đái tháo đường với insulin. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chuỗi hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 800 bác sỹ chuyên khoa nội tiết, nội khoa và đa khoa… tại Việt Nam. Đặc biệt, hơn 500 chuyên gia y tế đến từ Indonesia cũng tham dự hội thảo thông qua nền tảng trực tuyến.
Ông Emin Turan - Tổng Giám đốc Sanofi Đông Dương cho biết đái tháo đường đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân tại Việt Nam và đặt một gánh nặng không nhỏ lên hệ thống y tế. Các giải pháp điều trị tiên tiến và hiệu quả cho bệnh nhân đái tháo đường.
Insulin là tên của loại hormone giúp cơ thể sử dụng hoặc dự trữ glucose có được từ thức ăn, cũng là yếu tố giúp kiểm soát đường huyết trong cơ thể. Trong điều trị bệnh đái tháo đường, insulin được bác sỹ chỉ định sử dụng trong từng trường hợp và đối tượng cụ thể./.
Theo TTXVN