Tỷ phú và Ấn kiều - Đòn bẩy của nền kinh tế Ấn Độ

Cập nhật: 26-08-2011 | 00:00:00

Nếu như những năm trước, người ta hay nói đến một “dòng chất xám chảy ngược” - những tài năng công nghệ gốc Ấn - đang lần lượt rời Thung lũng Silicon Valley của Mỹ để về nước “tiếp nhiên liệu” cho cuộc chấn hưng kinh tế ở quê nhà, thì những ngày này ở Ấn Độ cũng đang có một dòng vốn chảy từ nước ngoài về quê hương để phát triển đất nước. Đó là sự hỗ trợ của những tỷ phú Ấn Độ. Họ đang giúp đưa quốc gia này từng bước trở thành một siêu cường quốc trên thế giới.

Từ “Câu lạc bộ tỷ phú”

Theo Foreign Affairs, thay vì tăng trưởng nhờ sự giúp đỡ của nhà nước, thì ở Ấn Độ sự tăng trưởng này nhiều khi không cần đến nhà nước giúp đỡ. Doanh nhân Ấn chính là tâm điểm của câu chuyện thành công của đất nước này. Ấn Độ ngày nay rất nhiều công ty tư nhân có khả năng cạnh tranh rất cao, một thị trường chứng khoán đang bùng nổ, một lĩnh vực ngân hàng hiện đại và có kỷ luật…

  Hàng hóa ra vào tấp nập ở cảng Mundra - cảng tư nhân đầu tiên của nhà tỷ phú Gautam Adani.

Đất nước này có 55 tỷ phú với tổng tài sản lên tới 250 tỷ USD, tương đương gần 1/6 sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia. Trong số những tỷ phú Ấn Độ, đáng chú ý nhất Gautam Adani, người sáng lập tập đoàn tư nhân hùng mạnh hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp đến nông nghiệp.

Theo New York Times, hiện ông là doanh nhân giàu thứ 6 của Ấn Độ với tổng tài sản đạt 10 tỷ USD. Tên tuổi của ông gắn liền với sự ra đời cảng biển tư nhân đầu tiên ở Ấn Độ - cảng Mundra ở bang Gujarat.

Chính nhân vật này đã thuyết phục chính phủ nhìn nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhờ nỗ lực thuyết phục của ông, Chính phủ Ấn Độ đã công bố một chính sách cho phép sử dụng những tài sản thuộc sở hữu tư nhân để phục vụ cho các mục đích quốc gia và thiết lập mối liên kết tốt hơn cho thương mại ở Ấn Độ, thông qua việc xây dựng các cảng hàng không. Chính sách này đã hình thành nên 200 cảng hàng không mới được xây dựng trên khắp đất nước Ấn Độ mà ngân sách quốc gia không phải bỏ ra một xu.

Sự nổi lên của ông trùm Adani như một minh chứng cho thấy lĩnh vực tư nhân đang đóng vai trò rộng lớn trong những khu vực từng bị nhà nước kiểm soát như viễn thông, bến cảng, sân bay, ngân hàng và cơ sở hạ tầng.

Ấn Độ hiện có khoảng 20 triệu Ấn kiều sinh sống ở nước ngoài, trong đó có 200.000 triệu phú ở Mỹ và đây chính là một trong những nhân tố quyết định của Ấn Độ trong nỗ lực phát triển kinh tế. Lakshmi Mittal, ông chủ tập đoàn thép lớn nhất thế giới Mittal - Arcelor, đã quyết định đầu tư 9 tỷ USD xây dựng nhà máy thép ở Jharkland - cho đến nay là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn kiều.

Các nhà công nghiệp gốc Ấn tại Mỹ liên hệ chặt chẽ với chính quyền trong nước để hợp tác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trường hợp của Rajat Gupta là một ví dụ. Rời Ấn Độ 20 năm trước, làm giám đốc điều hành của tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey & Co, ông đã thành lập hệ thống Trường Kinh doanh Ấn Độ (ISB) và Quỹ Y tế cộng đồng Ấn Độ (PHFI). 6 năm sau ngày khai giảng đầu tiên, ISB đã trở thành trường kinh doanh lớn thứ 8 trên thế giới, còn PHFI đào tạo mỗi năm 10.000 bác sĩ.

Đến mối quan hệ của chính phủ với Ấn kiều

Trong những năm gần đây, cộng đồng Ấn kiều cũng thay đổi. Từ hàng ngũ công nhân và chuyên viên đã hình thành một tập thể các nhà doanh nghiệp gốc Ấn năng động. Ngân hàng JPMorgan nhận định, cộng đồng Ấn kiều là đòn bẩy hùng mạnh giúp Ấn Độ đạt được, thậm chí vượt qua, mức tăng trưởng dự báo 10%/năm.

Cộng đồng doanh nhân Ấn Độ còn thành lập một mạng lưới các doanh nhân Ấn kiều có tên Indus Entrepreneurs, lo việc hướng dẫn các doanh nhân trẻ đầu tư về nước và đóng góp hơn 200 tỷ USD cho các công ty mới khởi nghiệp. Ram Shriram, tỷ phú của Tập đoàn Google đang cấp vốn cho nhiều doanh nghiệp Ấn Độ. Còn người sáng lập Hotmail là Sabeer Bhatia có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào một dự án hạ tầng ở Haryana mà ông tin rằng sẽ trở thành thung lũng Silicon thứ hai…

Động lực phát triển của Ấn Độ còn đến từ lượng kiều hối gửi về quê nhà. Nếu như khi quan hệ giữa Ấn kiều và chính phủ còn lạnh nhạt, 20 triệu người Ấn ở nước ngoài, với thu nhập bình quân 160 tỷ USD mỗi năm, chỉ gửi về quê 4 tỷ USD. Nhưng từ khi Chính phủ Ấn Độ nỗ lực cải cách kinh tế song song với việc cải thiện mối quan hệ với người Ấn xa xứ, lượng kiều hối đã tăng lên nhanh chóng cùng với sự trở về nước kinh doanh của Ấn kiều: 11 tỷ USD năm 1995, 22 tỷ USD năm 2005 và tăng đến gần 28 tỷ USD vào năm 2007.

Đó là chưa kể, từ năm 2005, Ấn kiều cũng đã gửi 32 tỷ USD tiết kiệm vào các ngân hàng Ấn Độ để hưởng lãi suất ưu đãi. Nguồn vốn này bằng 23% dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ, đã giúp cân bằng cán cân thương mại, đồng thời ngăn chặn lạm phát hiệu quả. Ngoài ra, theo các nhà đầu tư địa phương, chính nguồn vốn đầu tư gián tiếp của Ấn kiều đã góp phần thúc đẩy chỉ số chứng khoán Ấn Độ tăng đến 300% từ năm 2003 đến nay.

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về vấn đề di cư và kiều hối, với 27 tỷ USD từ kiều dân gửi về trong 6 tháng đầu tài khóa 2010-2011 (kết thúc ngày 31-3 hàng năm), Ấn Độ tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới về nhận kiều hối. Lượng kiều hối Ấn Độ nhận được trong tài khóa 2008-2009 và 2009-2010 lần lượt là 46,9 tỷ USD và 53,9 tỷ USD. Dự kiến, tổng số tiền Ấn Độ nhận từ cộng đồng người Ấn Độ trên thế giới trong năm nay có thể tăng lên 55 tỷ USD.

Tuy nhiên khi không thể chối cãi Ấn Độ nay đang nổi lên như một cường quốc kinh tế cũng là lúc giới quan sát nhận ra rằng sự phụ thuộc vào các lĩnh vực kinh tế tư nhân, vào các ông trùm đã đẩy vấn nạn tham nhũng ở nước này vào vòng nan giải hơn.

Hồi tháng 4 vừa qua, một số quan chức của 3 công ty Ấn Độ, trong đó có Công ty Reliance của tỷ phú Anil Ambani bị cáo buộc dính líu đến vụ mua bán rẻ giấy phép viễn thông. Đây được xem là vụ án tham nhũng chính trị lớn nhất ở Ấn Độ vì dính líu đến cựu Bộ trưởng Viễn thông Andimuthu Raja. Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ để bán rẻ giấy phép viễn thông, khiến nhà nước thiệt hại gần 40 tỷ USD. Tỷ phú nổi tiếng Prashant Ruia cũng bị điều tra vì bị tình nghi có liên quan đến vụ án tham nhũng này.

Tổng hợp từ New York Times, Reuters, Foreign Affairs

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=479
Quay lên trên