UAE và tham vọng Ethiopia

Cập nhật: 14-02-2022 | 08:27:47

Cách đây không lâu, Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) đưa ra một thông cáo khiến giới quan sát chú ý: Họ tuyên bố sẽ săn tìm và thủ tiêu bất kỳ lính đánh thuê hoặc chuyên gia kỹ thuật nào đứng về phía quân đội Chính phủ Ethiopia. Sự tham dự của người nước ngoài trong các cuộc chiến tranh tại châu Phi là chuyện thường. Cuộc nội chiến Ethiopia không phải là ngoại lệ.

Nhưng, tuyên bố của TPLF khiến giới phân tích cho rằng lực lượng nổi dậy này đang rơi vào thế cô lập. Điều gì đã khiến TPLF, thế lực từng lãnh đạo nền chính trị Ethiopia trong 3 thập kỷ liền lại “yếu thế” đến vậy? Phần nào câu trả lời có thể tìm thấy ở bên kia bờ Biển Đỏ, nơi chính phủ Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) hiện đang nung nấu tham vọng của riêng mình.

Cuộc chiến dai dẳng

Hai dân tộc chính tại Ethiopia là Oromo và Amhara. Cộng lại họ chiếm tới hơn 60% tổng dân số. Dân tộc lớn thứ ba là Tigray chỉ chiếm 6-7% dân số. Nhưng, cũng chính họ đã “sản sinh” ra TPLF.


Hoàng thái tử Abu Mohammed bin Zayed và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed

Sau nhiều năm chiến tranh ác liệt, TPLF lật đổ chính phủ trung ương vào năm 1991, sau đó thành lập một chính phủ liên minh mới. Trong khoảng thời gian 1991-2012, đất nước này được lãnh đạo bởi Meles Zenawi, Tổng thống và sau đó là Thủ tướng Ethiopia, đồng thời là Chủ tịch TPLF. Tuy chính phủ của Zenawi đã góp công lớn trong việc vực dậy đất nước Ethiopia sau chiến tranh, họ cũng gây ra thù oán trong nội bộ đất nước bởi những hành động như giam cầm vô cớ và tra tấn tù nhân chính trị. Cái chết của Zenawi năm 2012 đã châm ngòi phong trào phản đối TPLF để rồi từ đó đưa Abiy Ahmed lên vị trí thủ tướng.

Vị thủ tướng mới lên nắm quyền năm 2018 và ngay sau đó đã có những hành động nhằm thu hẹp quyền hành của TPLF trong chính phủ. Căng thẳng giữa các bên lan ra từng con phố. Bất đồng lên đến đỉnh điểm khi vào đầu năm ngoái, Thủ tướng Ahmed ra lệnh lùi cuộc bầu cử quốc hội vì đại dịch COVID-19. TPLF không chấp nhận quyết định này và tự ý tổ chức bầu cử tại các vùng có đông người Tigray sinh sống. Thủ tướng Ahmed cho điều động quân đội nhưng trước khi trật tự được lập lại, TPLF đã nổ súng trước.

Trong một khoảng thời gian ngắn giữa năm ngoái, quân đội chính phủ tạm thời chiếm lợi thế. Họ về cơ bản nắm quyền kiểm soát toàn bộ các khu đô thị lớn. Tuy vậy, sai lầm lớn nhất của họ là để nhóm phiến quân rút về cố thủ tại nông thôn và vùng núi. Sau vài tháng khôi phục lực lượng, TPLF phát động đợt tổng tiến công. Đầu tiên họ chiếm lại các mảnh đất có đông người Tigray sinh sống để làm căn cứ, sau đó hành quân thẳng về phía thủ đô Addis Abba. Quân đội chính phủ liên tục nhận thất bại, trong khi TPLF lôi kéo thêm nhiều nhóm phiến quân khác ở Ethiopia về phe mình. Thủ tướng Ahmed đã ra lệnh phát động tình trạng khẩn cấp quốc gia và kêu gọi mọi người dân đứng lên cầm súng bảo vệ chính phủ.

UAE đứng ở đâu?

UAE từ lâu đã để tâm đến việc “đặt một chân” lên đất Tây Phi. Nhờ UAE làm trung gian mà cuộc chiến dai dẳng giữa Ethiopia và nước láng giềng Eritrea mới kết thúc vào năm 2018. Tại Somalia, UAE hỗ trợ tiền bạc, vũ khí và chuyên gia cho quân đội chính phủ để họ dập tắt những phong trào nổi loạn địa phương. Theo một bài báo được đăng tải bởi tổ chức nghiên cứu địa chính trị Crisis Group (Mỹ) thì: “Trong mối thù địch giữa UAE và Ảrập Xêút, UAE chiếm thế yếu vì vị trí địa lý của mình, cho nên Abu Dhabi rất cần có thêm đồng minh ngoại giao. Tây Phi rơi vào “tầm ngắm” của họ vì 2 lý do: UAE từng có quan hệ thân thiết với nhiều nước Tây Phi trong lịch sử, và họ hiện rất cần quyền kiểm soát Biển Đỏ để đảm bảo thông suốt tuyến hàng hải tối quan trọng với nền kinh tế của họ”.

Nguyên nhân thứ hai càng ngày trở nên quan trọng hơn khi UAE tiến hành đa dạng hóa nền kinh tế của họ. Cho dù là phát triển vận tải biển hay du lịch, UAE cũng rất cần Biển Đỏ luôn được thông thoáng để tàu viễn dương ra vào dễ dàng. Trong vài năm trở lại đây, Abu Dhabi đã vừa cố gắng xây dựng liên minh an ninh nhằm giám sát Biển Đỏ, vừa khuyến khích các doanh nghiệp tư của mình rót vốn vào ngành vận tải biển với các nước đối tác Tây Phi. Một ví dụ điển hình cho sự hợp tác này là cảng nước sâu Doraleh của Djibouti. “Gã khổng lồ” vận tải DP World của Dubai trực tiếp đầu tư xây dựng hải cảng này để làm điểm trung chuyển cho mạng lưới vận tải toàn cầu của họ.

Về phía Thủ tướng Ethiopia, UAE là đồng minh quan trọng của chính phủ ông. Chính UAE, thông qua các gói cho vay không hoàn lại, đã buộc được chính phủ của Tổng thống Isaias Afwerki, nhà lãnh đạo đã dẫn dắt Eritrea đòi độc lập thành công từ Ethiopia, ngồi xuống bàn đàm phán hòa bình. Trong đợt đại dịch vừa qua, sự hỗ trợ của UAE cũng đã giúp Ethiopia phần nào thoát khỏi nạn đói diện rộng. Theo nhà quan sát Jeffrey Colbun: “Abiy Ahmed sẵn sàng làm mọi việc để kéo UAE lại gần mình hơn nữa. Trong bối cảnh Somalia tiếp tục bất ổn, vị Thủ tướng Ethiopia có thể lựa chọn việc biến đất nước mình thành “cửa ngõ” để UAE tiến sâu hơn vào khu vực Trung Phi và mở rộng thị trường đến các quốc gia như Kenya và Uganda”. Tất cả toan tính của UAE hay Ethiopia tuy vậy đều phụ thuộc vào việc TPLF không giành chiến thắng.

Mối quan hệ giữa UAE và Mỹ gần đây có dấu hiệu bất ổn do UAE đứng về phía Nga trong cuộc nội chiến Libya. Bản thân Washington cũng có toan tính riêng của mình cho Ethiopia nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung. Nhiều nhà quan sát đang đặt câu hỏi liệu lợi ích của UAE và Mỹ giống nhau đến mức nào để Abu Dhabi có thể can thiệp vào Ethiopia. Dựa trên những thông tin hiện có, nhiều khả năng cả hai bên đều mong muốn nội chiến Ethiopia kết thúc, Chính phủ Ethiopia được vững chỗ và Thủ tướng Abiy Ahmed tiếp tục chính sách mở cửa nền kinh tế của mình.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1441
Quay lên trên