UBND TỈNH: Ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường

Cập nhật: 29-04-2010 | 00:00:00

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã và đang phấn đấu phát triển để đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới. Để đạt được điều này, ngoài việc chỉnh trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển các loại hình dịch vụ - du lịch - giải trí, vấn đề gây ô nhiễm môi trường (ONMT) của các cơ sở sản xuất (CSSX) đang hoạt động nằm xen lẫn trong các khu dân cư, đô thị cũng phải được giải quyết dứt điểm nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

Các cơ sở (CCS) này đa số có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, công nghệ sản xuất lạc hậu... tập trung chủ yếu tại TX.TDM, 2 huyện Thuận An và Dĩ An được thành lập khi cộng đồng dân cư chưa đông đúc, các đô thị chưa hình thành và phát triển, công tác quy hoạch phát triển dân cư và đô thị còn nhiều hạn chế. Các CSSX chưa xử lý chất thải triệt để gây ONMT, làm mất mỹ quan đô thị, đặc biệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, kéo dài và khó giải quyết. Để không còn tình trạng này, cần phải di dời CCS gây ONMT đến địa điểm mới có hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường hoàn chỉnh.

HĐND tỉnh cũng đã nhìn nhận mặt trái của việc di dời là doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn do phải tạm ngưng hoạt động sản xuất một thời gian và đời sống của người lao động (NLĐ) cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị mất việc làm. Vì vậy, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 16 khóa VII, nhiệm kỳ 2004-2010, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đã nhất trí thông qua chính sách hỗ trợ di dời các CSSX gây ONMT nằm trong các khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh.

Về đối tượng áp dụng và nguyên tắc thực hiện

Đối tượng buộc phải di dời đến địa điểm mới và được hưởng chính sách hỗ trợ được xác định chủ yếu là CCS đã đi vào hoạt động trước khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có hiệu lực (1-7-2006) nằm xen lẫn trong các khu dân cư, đô thị, gây onmt. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng đã xác định, trong giai đoạn năm 2010-2013, toàn tỉnh sẽ có khoảng 80 doanh nghiệp phải di dời đến địa điểm mới, tập trung vào các ngành nghề có mức độ ô nhiễm cao như: chế biến gỗ, sản xuất giấy, xi mạ, hóa chất, chế biến thực phẩm... Nhằm tránh tình trạng tái hình thành CCS gây ONMT và tiếp tục di dời đến địa điểm mới, địa điểm tiếp nhận CCS này là các khu, cụm công nghiệp tập trung, nhất là các khu, cụm công nghiệp cùng địa bàn; đồng thời với việc di dời, CCS này phải đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, ít phát sinh chất thải. Diện tích đất từ CCS này để lại sẽ được chính quyền địa phương sử dụng vào mục đích phát triển các loại hình du lịch - giải trí và làm quỹ đất để thực hiện việc chỉnh trang đô thị như xây dựng các công viên cây xanh, trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội...

Các nhóm chính sách hỗ trợ được thông qua

Để các CSSX thuộc đối tượng phải di dời đến địa điểm mới nhanh chóng ổn định sản xuất và đạt được mục tiêu đề ra, HĐND tỉnh đã nhất trí hỗ trợ cho CCS này về giá thuê lại đất ở địa điểm mới; kinh phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị; lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới; tiền lương cho NLĐ trong thời gian ngưng sản xuất; kinh phí tuyển dụng và đào tạo lại lao động mới và hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở phục vụ NLĐ. HĐND tỉnh cũng khuyến khích CCS thuộc đối tượng phải di dời đến địa điểm mới nhưng tự đầu tư kinh phí để chuyển đổi ngành nghề sản xuất không gây ONMT ngay tại địa điểm đang hoạt động và thống nhất hỗ trợ cho CCS này một phần kinh phí để tháo dỡ thiết bị, cải tạo lại mặt bằng nhà xưởng; tiền lương cho NLĐ trong thời gian ngưng sản xuất; kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề cho NLĐ.

Trường hợp các CSSX thuộc đối tượng phải di dời nhưng tự chấm dứt hoạt động sản xuất thì sẽ được hỗ trợ một lần bằng 30% thu nhập sau thuế của năm gần nhất trước khi chấm dứt sản xuất để giải quyết những khó khăn khi thực hiện thủ tục chấm dứt sản xuất và được hỗ trợ một phần kinh phí để giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ nghỉ việc.

Đối với CCS di dời đến địa điểm mới nhưng không thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, CCS được phép di dời đến địa điểm mới thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương nhưng không nằm trong các khu, cụm công nghiệp, CCS khi nhận được quyết định di dời hoặc quyết định cho phép chuyển đổi ngành nghề sản xuất mà nhà xưởng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cũng được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí.

Với quyết tâm xử lý triệt để các CSSX nằm xen lẫn trong các khu dân cư, đô thị gây ONMT và không để cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình di dời, hy vọng trong thời gian tới tình trạng ONMT về không khí, nước thải, chất thải rắn, tiếng ồn, độ rung... ở các khu dân cư, đô thị tại Bình Dương sẽ sớm được khắc phục và cải thiện, mang lại môi trường sống trong lành cho mọi người dân.

NGHIỆP – HIỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=456
Quay lên trên