UN Women hoan nghênh Việt Nam công bố Chương trình hành động quốc gia đầu tiên về phụ nữ, hòa bình và an ninh

Cập nhật: 09-08-2024 | 16:04:22

Nhân dịp Chính phủ Việt Nam chính thức công bố Chương trình hành động quốc gia (NAP) đầu tiên về phụ nữ, hòa bình và an ninh, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong cam kết của Việt Nam về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đã phát đi thông cáo dẫn lời bà Sima Bahous, Giám đốc điều hành toàn cầu của UN Women hoan nghênh Việt Nam công bố NAP.


Ảnh minh hoạ

NAP được xây dựng dựa trên bốn trụ cột của Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh, cụ thể gồm: Sự tham gia, bảo vệ, phòng ngừa và cứu trợ phục hồi. Chương trình cũng đề cập tới hợp tác quốc tế, nhấn mạnh sự cam kết  của Việt Nam trong việc hợp tác với cộng đồng toàn cầu để thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

"Việc triển khai Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi những thách thức toàn cầu đang tác động đến tất cả chúng ta. Phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều tổn thương và phân biệt đối xử. Vì vậy, việc khởi động Chương trình hành động quốc gia này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. UN Women sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam mở rộng quan hệ đối tác, tận dụng các nguồn lực để đảm bảo rằng không có phụ nữ hay trẻ em gái nào bị bỏ lại phía sau,” bà Sima Bahous, Giám đốc điều hành toàn cầu của UN Women, cho biết trong thông điệp  của mình.

Nêu rõ các mục tiêu về sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ trong chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, NAP lồng ghép vấn đề giới vào các phương thức ứng phó với xung đột, khủng hoảng, thảm họa và các thách thức an ninh mới nổi như biến đổi khí hậu và an ninh mạng.

Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) có phạm vi rộng và liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều bên liên quan, bao gồm các nhà lãnh đạo và quản lý ở mọi cấp: tỉnh, bộ, các cơ quan phụ nữ trên toàn quốc, học viện, các tổ chức cộng đồng,...

"Một Chương trình triển khai rõ ràng và có thể đo lường được sẽ tạo cơ sở vững chắc cho việc tài trợ và kêu gọi tăng đầu tư vào chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Điều này sẽ giúp duy trì động lực và tiếp tục thu hút sự ủng hộ từ các Bộ và cơ quan chủ chốt có liên quan tại Việt Nam", bà Ryce Chanchai, Quản lý khu vực Chương trình về Quản trị và Phụ nữ, Hòa bình, An ninh tại ASEAN của UN Women cho biết.

Theo UN Women, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về bình đẳng giới, thể hiện ý chí chính trị và động lực mạnh mẽ để thúc đẩy bình đẳng giới, bao gồm: xếp hạng toàn cầu về bình đẳng giới của Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 83 lên vị trí thứ 72 trong số 146 quốc gia, kể từ khi thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững; ban hành Luật Bình đẳng giới (năm 2006) và Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới (2021-2030), và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2022)

Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam luôn là tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Việt Nam đã dẫn đầu việc đề xuất Nghị quyết số 1889 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2009, tập trung vào vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình sau xung đột. Trong nhiệm kỳ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), Việt Nam đã tổ chức một hội nghị quốc tế với chủ đề "Nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả", thông qua Cam kết hành động Hà Nội với sự đồng tài trợ của 75 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Gần đây nhất, Việt Nam đã một lần nữa nhấn mạnh cam kết thúc đẩy bình đẳng giới của mình với việc trúng cử vào Hội đồng chấp hành của UN Women nhiệm kỳ 2025-2027.

Từ năm 2021, UN Women đã hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam trong công tác xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh thông qua Bộ Ngoại giao, với sự hỗ trợ của Chính phủ Canada, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Australia và Hàn Quốc.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=625
Quay lên trên