Ứng dụng công nghệ để tìm giải pháp thu, thoát nước hiệu quả

Cập nhật: 28-09-2022 | 20:05:08

(BDO) Với sự phát triển về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây diễn ra khá nhanh; cùng với đó là sự gia tăng về mặt dân số cùng các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi đã tạo ra những “lỗ hổng” trong thu, thoát nước đang đòi hỏi ngành chức năng, địa phương phải tìm ra những giải pháp bảo đảm thu, thoát nước hiệu quả hơn.

Thực trạng đáng báo động

Ghi nhận của ngành chức năng cho thấy trong những năm gần đây, tình trạng ngập úng do triều cường và do mưa lớn trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng nghiêm trọng và lan rộng ra nhiều khu vực. Trong đó, tình trạng ngập úng tại các đô thị phía nam của tỉnh như TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một… được cảnh báo là đang ở mức độ đáng báo động và ngành chức năng cần sớm tìm các giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề.

 Kỹ sư Hồ Viết Vẽ giới thiệu công trình hố ga ngăn mùi, chống muỗi tới các nhà khoa học và đại diện ngành chức năng, địa phương

Bàn về tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh, chúng ta có thể chia ra làm hai loại ngập úng để dễ hình dung. Trong đó, một loại là tình trạng ngập úng do triều cường dâng cao kéo theo con nước chảy ngược từ hệ thống sông rạch vào khu vực đô thị, khu vực dân cư. Loại ngập úng này diễn ra có chu kỳ và mức độ ngập sẽ dao động tùy thời điểm với trị số mực nước triều ứng có thể dự đoán từ trước. Loại ngập úng này hiện đang khá phổ biến ở các khu đô thị, khu dân cư dọc lưu vực sông Sài Gòn chảy qua địa bàn TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một. Dù mức độ ảnh hưởng không quá nghiêm trọng nhưng vẫn gây ra những khó khăn, thiệt hại nhất định cho kinh tế - xã hội địa phương, tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Loại ngập úng thứ hai là do lưu lượng nước mưa quá lớn so với thiết kế ban đầu của hệ thống thu, thoát nước được đầu tư xây dựng dọc các tuyến đường. Theo nhận định của ngành chức năng, tình trạng ngập úng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: Cống bị tắc, nghẹt; công suất thu, thoát nước của cống chưa bảo đảm so với nhu cầu thực tế; công tác quy hoạch hệ thống thu, thoát nước và quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị chưa thật sự đồng bộ… Theo đại diện Sở Giao thông - Vận tải, hệ thống cống thu, thoát nước được lắp đặt dọc các tuyến được được thiết kế để thu, thoát nước phát sinh từ các tuyến đường. Do đó hệ thống này sẽ trở nên quá tải khi phải “hỗ trợ” thu, thoát nước cho các khu dân cư, khu đô thị phía trong.

Hiện nay, tình trạng ngập úng do mưa lớn đã trở nên khá phổ biến và gây ra nhiều ảnh hưởng đối với bộ mặt đô thị, nền kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của người dân trên địa bàn.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, các khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng do mưa lớn hiện nay là Quốc lộ 13 đoạn suối Cát và đoạn gần ngã tư cầu Ông Bố, đường Nguyễn Văn Tiết, nhiều tuyến đường nhánh Thuận Giao, khu vực Công ty Thông Dụng (phường An Phú)… thuộc địa bàn TP.Thuận An; khu vực gần giao lộ đường Mỹ Phước - Tân Vạn và Quốc lộ 1K, một số tuyến phố thuộc địa bàn các phường Dĩ An, Đông Hòa, Bình Thắng… của TP.Dĩ An; khu vực Suối Giữa, đường Hồ Văn Cống đoạn qua phường Tương Bình Hiệp, một vài tuyến phố trên địa bàn các phường Phú Cường, Phú Thọ… của TP.Thủ Dầu Một. Thậm chí, khi có mưa lớn, nhiều khu vực còn xuất hiện tình trạng ngập sâu, nước chảy xiết gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Khẩn trương có giải pháp hiệu quả

Để hoàn thành các tiêu chí nâng cấp đô thị và hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo và giám sát đối với các hoạt động quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Trong đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu ngành chức năng khẩn trương tìm giải pháp để giải quyết tình trạng ngập úng do mưa và triều cường đang có dấu hiệu ngày một gia tăng trên địa bàn tỉnh.

Đối với vấn đề ngập úng do triều cường dâng cao, thời gian qua tỉnh đã giao ngành nông nghiệp chủ trì đầu tư hệ thống bờ đê, bờ rạch, bờ bao, cống ngăn triều (hệ thống công trình thủy lợi - P.V) dọc lưu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai với tổng kinh phí đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, được chia làm nhiều giai đoạn, hạng mục khác nhau.

Theo các chuyên gia ngành thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi mà Bình Dương đang triển khai thực hiện có tầm ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của người dân. Hệ thống này được dự đoán có khả năng ngăn chặn tình trạng triều cường dâng cao  trong những năm tới.

Đối với vấn đề ngập úng do tình trạng mưa lớn gây ra, thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo liên ngành giao thông - vận tải, xây dựng, nông nghiệp - phát triển nông thôn và các địa phương phối hợp bàn bạc tìm ra giải pháp. Trong khi đó, ngành khoa học - công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cũng được giao nhiệm vụ tích cực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào việc xây dựng, lắp đặt hệ thống cống thu, thoát nước thế hệ mới giúp giải quyết các vấn đề hiện hữu.

Ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cho biết thời gian qua Liên hiệp hội đã phối hợp với Liên hiệp hội các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ tổ chức các chương trình gặp mặt các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp để cùng tìm giải pháp. Sau thời gian dày công tìm kiếm, cuối tháng 8 vừa qua, Liên hiệp hội đã tổ chức hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ vào giải pháp thu, thoát nước thế hệ mới. Tại hội thảo, các nhà khoa học và đại diện các sở, ngành chức năng tỉnh, địa phương đã thảo luận sôi nổi, từ đó tìm ra được căn nguyên vấn đề và có những hướng đi, giải pháp cụ thể lĩnh vực thu, thoát nước trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, các nhà khoa học và đại diện ngành chức năng, địa phương cũng lắng nghe kỹ sư Hồ Viết Vẽ giới thiệu giải pháp hố ga ngăn mùi, chống muỗi do chính ông sáng chế. Dựa vào thiết kế thông minh, hệ thống hố ga do kỹ sư Hồ Viết Vẽ sáng chế có thể ngăn ngừa rác thải và thực hiện tốt nhiệm vụ thu, thoát nước. Ngoài ra, với thiết kế được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp, hệ thống hố ga này cũng làm tốt chức năng ngăn mùi, chống muỗi nhờ vào tấm lưới thông minh và không giữ lại nước trong cống.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, hệ thống này cũng có nhược điểm là phải tốn thêm chi phí nhân công để kiểm soát, vận hành cống bảo đảm thông thoáng và lưu lượng thu, thoát nước còn khá khiêm tốn so với lưu lượng nước mưa đổ về tại các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đến nay tiến độ thi công hệ thống công trình thủy lợi dọc sông Sài Gòn đoạn qua TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một đang được triển khai đúng tiến độ. Ông kỳ vọng sau khi hoàn thành, hệ thống công trình thủy lợi sẽ xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng do triều cường, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sinh sống, sản xuất, kinh doanh.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên