(BDO) Hội thảo “Ứng dụng công nghệ số trong giáo dục nghề nghiệp” trong khuôn khổ Đề án thành phố thông minh Bình Dương vừa được tổ chức tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore. Hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trao đổi và đóng góp vào việc phối hợp để đưa ứng dụng công nghệ số vào trong GDNN; qua đó cụ thể hóa thành các nội dung, hoạt động cụ thể để nâng chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm, học thuật giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên và giáo viên.
Hội thảo khoa học chủ đề “Ứng dụng công nghệ số trong giáo dục nghề nghiệp”
Ứng dụng chuyển đổi số trong GDNN
Thầy Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, cho biết chuyển đổi kỹ thuật số tác động đến tất cả các khía cạnh của việc cung cấp GDNN, từ việc tích hợp các kỹ năng và năng lực kỹ thuật số mới vào quá trình dạy và học cho đến việc tổ chức học tập. Người học, cả thanh niên và người lớn, phải được trang bị các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết cho các công việc mới và cũ, để trở thành những công dân thông minh, có năng lực, biết đọc, biết viết và thông minh về kỹ thuật số. Việc cung cấp GDNN đang chịu áp lực trong việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để dễ tiếp cận hơn, giá cảphải chăng và phù hợp với từng cá nhân, đồng thời cải thiện chất lượng và mức độ phù hợp với thị trường lao động.
Đẩy mạnh chuyển đổi số đối với các cơ sở GDNN đang là một trong những yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu nhằm mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN, tạo ra đột phá về chất lượng đào tạo. Việc ứng dụng các mô hình, công nghệ mới nhằm tăng cường hiệu quả đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng đề án thành phố thông minh Bình Dương”. (Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) |
Theo thạc sĩ Phan Hoàng Ân, giáo viên trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 980/QĐ-LĐTBXH về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đồng thời, Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Do vậy theo thầy Ân, GDNN phải tận dụng tối đa sự hội nhập, kết hợp các công nghệ mới “công nghệ kỹ thuật số” vào giảng dạy và đánh giá để trang bị cho người học thích ứng công việc hiện nay và tương lai trong thời đại công nghệ đột phá. Để ứng dụng được những công nghệ đột phá, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, GDNN được thành công thì yếu tố quan trọng chính là đội ngũ thầy giáo, những người trực tiếp tham gia thực hiện công việc đào tạo phải có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ và sự sẵn sàng tiếp nhận công nghệ từ phía người học.
“Hội thảo Ứng dụng công nghệ số trong GDNN do trường Cao đằng Nghề Việt Nam - Singapore vừa tổ chức đã thu hút gần 50 lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở GDNN trong và ngoài tỉnh về dự. Qua hội thảo nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc dạy và học, đề xuất các phương án ứng dụng công nghệ số trong GDNN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường, kết hợp các công nghệ mới “công nghệ kỹ thuật số” vào giảng dạy và thi cử để trang bị cho người học thích ứng công việc hiện nay và tương lai trong thời đại công nghệ đột phá”, thầy Phong cho biết thêm.
Các trường đẩy mạnh chuyển đổi số
Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết những năm qua, các cơ sở GDNN ở Bình Dương đã nhanh chóng dần hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm hỗ trợ, chương trình giảng dạy, học liệu… để đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục hiện đại; đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư thiết bị nhằm đem lại nguồn nhân lực mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và xã hội.
Trao đổi với P.V, thạc sĩ Vũ Đức Tuấn, Trưởng phòng Đối ngoại - Quản lý khoa học, trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương, cho biết thời gian qua, trường đã thực hiện nhiều hoạt động chuyển đổi số như ứng dụng Hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến, Hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning do VNPT Bình Dương cung cấp, Nền tảng học tập công dân số (http:// www.congdanso.edu.vn)… Hệ thống quản lý đào tạo được thực hiện liên thông từ công tác tuyển sinh, công tác đào tạo, công tác quản lý học sinh - sinh viên đến công tác thu chi tài chính. Tất cả hồ sơ được lưu trữ, số hóa giúp cho công tác quản lý của nhà trường được thực hiện một cách toàn diện, theo đúng quy trình và quy chế quy định với khả năng linh hoạt cao cho cả hệ thống tín chỉ lẫn niên chế.
Với xu thế chuyển đổi số, đáp ứng những vấn đề trong thực tế hoạt động và thực hiện chủtrương cải tiến phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, đa dạng hóa phương tiện dạy học của nhà trường, nhóm tác giả là các giáo viên của trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore đã phát triển đề tài “Phần mềm hỗ trợ dạy và học trên hệ thống mạng máy tính”, là thiết bị tích hợp phần mềm với phần cứng hỗ trợ cho việc dạy, học trực tuyến và trực tiếp. Nhóm tác giả xây dựng một mô hình tích hợp phần cứng với phần mềm; kết hợp giữa lý thuyết và thực hành của nhiều môn học/mô-đun, tích hợp vào phần mềm và website đưa lên hệ thống mạng nhằm giúp giáo viên có công cụ hỗ trợ giảng bài, đánh giá quá trình dạy học khách quan, chính xác; tạo cho người học có công cụhọc tập mới, sống động, tạo động lực học tập tích cực, rèn luyện kỹ năng tự học và kỹ năng nghề cho người học.
GDNN có ý nghĩa quan trọng, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trong việc đào tạo lực lượng lao động và nhất là nguồn nhân lực có tay nghề cao. Vì vậy, GDNN phải tận dụng tối đa các công nghệ mới “công nghệ kỹ thuật số” vào giảng dạy và quản lý để trang bị cho người học thích ứng công việc hiện nay và tương lai trong thời đại công nghệ đột phá.
TƯỜNG VY