Ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số ngành y tế

Cập nhật: 09-11-2022 | 09:09:22

(BDO) Chuyển đổi số (CĐS) y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu thuộc 8 lĩnh vực CĐS quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong CĐS y tế nhằm đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh trên ba trụ cột chính.

 

Ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh góp phần đẩy mạnh CĐS ngành y tế tỉnh

 Đầu tư CNTT còn manh mún, dàn trải

CĐS y tế là ứng dụng CNTT một cách tổng thể và toàn diện, dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe. Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của y tế tỉnh nhà. Toàn ngành y tế đã thực hiện ký số điện tử và số hóa 100% văn bản điện tử đúng quy định; gửi, nhận văn bản, công việc qua môi trường mạng, hệ thống email công vụ bảo đảm nhanh, kịp thời, chính xác. 100% đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, giảm thiểu việc sử dụng văn bản giấy. Trong mục tiêu phát triển kinh tế số, Sở Y tế đã đưa nội dung thanh toán không dùng tiền mặt vào kế hoạch năm để các đơn vị thực hiện.

Đặc biệt, các đơn vị y tế tiến hành chuẩn hóa hồ sơ sức khỏe cá nhân. Mỗi người dân có duy nhất một hồ sơ sức khỏe, bảo đảm tra cứu đầy đủ các thông tin sau khi khám, chữa bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời gian chờ khám khi chưa ứng dụng CNTT trung bình là 30 phút, đến nay đã giảm hơn nửa; thời gian chờ mua thuốc, làm thủ tục xuất viện cũng giảm xuống đáng kể. Việc kê đơn thuốc, trước đây nhiều người kêu ca về chữ bác sĩ xấu, khó đọc; nay nhờ áp dụng mô hình quản lý bằng CNTT mà đơn thuốc được in trên giấy dễ đọc và giảm tình trạng các đơn thuốc chưa hợp lý cho người bệnh. Bác sĩ Lê Ngọc Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: “Nhờ ứng dụng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã giúp đội ngũ cán bộ y, bác sĩ bệnh viện nâng cao tay nghề chẩn đoán, điều trị từ xa”.

Thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong ứng dụng CNTT trong y tế, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện nay việc đầu tư CNTT cho ngành y tế vẫn manh mún, dàn trải và chưa có kiến thức tổng thể về ứng dụng CNTT của toàn ngành. Quy chuẩn thông tin y tế chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều đơn vị không thành công khi triển khai ứng dụng CNTT ở cơ sở”.

3 nội dung y tế thông minh

Hiện nay, trong y học hiện đại, CNTT không chỉ là “bà đỡ” cho quá trình cải cách hành chính mà còn “đỡ đầu” cho việc triển khai và ứng dụng thành công các kỹ thuật cao trong công tác khám, chữa bệnh như chụp cắt lớp, mổ nội soi, phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo, giám sát dịch bệnh, nghiên cứu phát triển thuốc… Do đó, định hướng đến năm 2030, Bình Dương hình thành y tế thông minh với ba trụ cột chính là: Phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Với hệ thống khám, chữa bệnh thông minh, người dân sẽ được sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh thuận lợi, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị, tiết kiệm thời gian và chi phí.

“Trong y học hiện đại, các loại máy móc thiết bị xét nghiệm đều được tự động hóa hoàn toàn, giúp nâng cao độ chính xác và giảm bớt thao tác khi làm xét nghiệm. Song song đó, các máy móc chẩn đoán hình ảnh cũng được trang bị ứng dụng kỹ thuật dựng hình nhằm thể hiện hình ảnh bệnh lý 3 chiều, phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị ngoại khoa. Kỹ thuật nội soi cũng là một bước tiến quan trọng giúp can thiệp điều trị bệnh hiệu quả, đồng thời tiết giảm chi phí cho người bệnh”, bác sĩ Lê Ngọc Long cho biết thêm.

Trên cơ sở xu hướng phát triển y tế thông minh, Bình Dương phấn đấu đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4; trong đó, các dịch vụ phổ biến liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực điện tử, bao gồm cả thiết bị di động; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến; 100% cán bộ nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam; 90% người dân Bình Dương có hồ sơ sức khỏe điện tử…

 TIẾN SĨ NGUYỄN HỒNG CHƯƠNG, GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ: “Những năm qua, ứng dụng CNTT trong nội bộ ngành y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hệ thống thông tin chuyên ngành đã từng bước chuyển dịch từ ứng dụng đơn lẻ sang kết nối, theo hướng tập trung hơn. Một số ứng dụng CNTT trong nội bộ ngành còn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, bộc lộ nhiều hạn chế. Việc chia sẻ tích hợp dữ liệu dùng chung chưa được thực hiện và còn phụ thuộc vào Trung ương”.

 HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên