Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất: Cần hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp

Cập nhật: 16-02-2016 | 08:27:20

Theo các nhà chuyên môn, hiện nay, việc đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) tại các doanh nghiệp (DN) trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế.

Tự chủ về công nghệ - yếu tố sống còn của DN

Công ty TNHH Minh Long I (Minh Long I) được coi là một trong những “cánh chim đầu đàn” trong việc sáng tạo, áp dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất của DN tại tỉnh Bình Dương. Tuy vậy, để đạt được kết quả như hiện nay, Minh Long I đã phải tự thân vận động trong việc tìm kiếm và cải tiến hệ thống máy móc sản xuất từ các nước có nền KHCN tiên tiến như Đức, Pháp, Nhật Bản...

 Với việc đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại đã giúp Tôn Đông Á giữ vững được thương hiệu và mở rộng thị trường. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Minh Long I cho biết, cách đây khoảng 10 năm, khi giá gas tăng cao đã làm cho ngành gốm sứ trong nước gặp nhiều khó khăn. Minh Long I cũng rơi vào tình trạng tương tự vì đầu tư lớn vào trang thiết bị hiện đại và sản xuất theo chất lượng của Đức dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp. Sau đó, công ty đã chọn giải pháp đốt một lần lửa đối với gốm sứ cao cấp, điều mà tại thời điểm đó (thậm chí cho tới nay) chưa có hãng sản xuất gốm sứ nào thực hiện để tham khảo, học hỏi. Qua nhiều lần thử nghiệm, quy trình sản xuất này đã hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Riêng dòng sản phẩm sứ có màu được trang trí xong đốt một lần với chất lượng cao gần như chỉ có Minh Long I là hãng duy nhất trên thế giới có thể làm được, để cung cấp cho thị trường nước Pháp.

Theo ông Phạm Quốc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (TX.Dĩ An), để có một mạng lưới phân phối rộng khắp trải dài từ Bắc đến Nam và xuất khẩu, Tôn Đông Á đã đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại như dây chuyền mạ màu, mạ hợp kim nhôm kẽm công nghệ NOF... đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ với kinh phí đầu tư máy móc, nhà xưởng hàng triệu USD.

Chính sách cần phù hợp hơn

Việc ứng dụng KHCN hiện nay được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực của hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có ứng dụng hoặc có sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, việc công nhận kết quả nghiên cứu hiện nay còn bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật, cụ thể như việc giới hạn về ngành nghề hoặc sản phẩm tạo ra từ ngành nghề đó ở lĩnh vực công nghệ cao là chưa hợp lý.

Ông Lý Ngọc Minh cho biết, theo Quyết định 49/2010/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển gồm công nghệ sản xuất gốm sứ kỹ thuật cao cấp cho công nghiệp điện, điện tử, chế tạo máy; công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp, nhưng đến năm 2014 lại thay đổi danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển (theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg) lại không có công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp. Do đó, Minh Long I gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, cải tiến máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, vì không phải DN nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư cho KHCN. Còn bà Hứa Thị Huần, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường CAXE (TX.Dĩ An) cho rằng, hiện nay, cơ chế, chính sách phát triển KHCN nói chung, hỗ trợ đổi mới công nghệ nói riêng đã có, tuy nhiên việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và nguồn hỗ trợ còn rất khó khăn.

Các DN khác cũng cho rằng, bên cạnh nỗ lực của DN, Nhà nước cũng cần có những giải pháp vận dụng phù hợp với thực tiễn, đồng thời chú trọng cải cách thủ tục để DN có thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và nguồn hỗ trợ khác có điều kiện ứng dụng KHCN và đổi mới công nghệ. Từ đó giúp DN tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

HOÀNG PHẠM

 

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1134
Quay lên trên