LTS: Trước tình hình Trung Quốc tiếp tục đưa thêm giàn khoan vào biển Đông, trong đó có giàn khoan Nam Hải 9 tới cửa vịnh Bắc Bộ, trên trang nghiencuuquocte.net tác giả Vũ Thành Công đã có bài viết phân tích 3 mục tiêu của Trung Quốc về việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên biển Đông và chính sách thu hút nhân tâm trong việc ứng phó của Việt Nam về biển Đông. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả.
Hướng về Việt Nam trong những ngày này, người Việt tại Pháp đã tập trung ở quảng trường Trocadero để phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông
Sự gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 đã đẩy Việt Nam vào thế phải ứng phó. Tuy nhiên, dù đã bị Việt Nam và cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt, vào cuối tháng 6-2014, Trung Quốc lại tiếp tục đưa thêm 4 giàn khoan nữa trên biển Đông, trong đó có việc di chuyển giàn khoan Nam Hải 9 tới cửa vịnh Bắc Bộ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại tiếp tục “bất chấp đạo lý, pháp lý, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc” cùng với thành quả hơn 2 thập niên “phát triển hòa bình” để thực hiện các hành vi “lợi bất cập hại” như vậy. Và câu trả lời khả dĩ nhất cho trường hợp này chính là để thực hiện các động cơ chính trị mà Chính phủ Trung Quốc luôn theo đuổi - những phép thử để hiện thực hóa tham vọng bá quyền. Đối tượng của phép thử này không chỉ là Việt Nam, ASEAN hay Mỹ, mà rộng hơn, nó còn là phép thử “lòng người” của cả hai bên.
Ba mục tiêu của Trung Quốc
Giàn khoan Hải Dương-981 nhắm trực tiếp vào Việt Nam, quốc gia có cơ sở pháp lý vững chắc nhất tại biển Đông và gần nhất với Trung Quốc về mặt địa lý. Trong những năm gần đây, sự “luân phiên” gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông và Hoa Đông gần như trở thành một quy luật. Sau một thời gian tập trung vào tranh chấp với Nhật, Trung Quốc đang mong muốn thử các phản ứng chính thức của Việt Nam để tính toán các bước đi tiếp theo trong tham vọng tại biển Đông.
Nếu Việt Nam phản ứng “rắn”, Trung Quốc sẽ lấy cớ gây xung đột và tăng sự hiện diện quân sự. Đây là cách sử dụng phép thử để hiện thực hóa các chủ quyền thông qua kiểm soát thực địa. Nhưng nếu Việt Nam phản ứng quá yếu, kịch bản tương tự trường hợp bãi cạn Scarborough chắc chắn sẽ xảy ra. Lúc đó, không chỉ là các giàn khoan dầu liên tục xuất hiện, mà còn có viễn cảnh về việc ồ ạt triển khai quân sự và xây dựng căn cứ trên các đảo Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp. Vì vậy, điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải phản ứng mạnh mẽ và phù hợp để ngăn chặn Trung Quốc thực hiện mục tiêu neo giàn khoan 3 tháng, nhưng không để leo thang thành xung đột vũ trang.
Thứ hai, nó là phép thử phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN và Mỹ - hai nhân tố quan trọng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Sau những khó khăn trong việc tham vấn và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), hiện tại ASEAN vẫn chưa thể hiện được vai trò trung tâm trong việc giải quyết tranh chấp, trong khi sự nhất trí giữa các quốc gia thành viên vẫn còn chưa chắc chắn.
Trong bối cảnh tình hình chính trị tại khu vực vẫn còn nhiều bất ổn thì đây là lúc rất thích hợp để Trung Quốc “đánh giá” mức độ liên kết của các quốc gia ASEAN đối với vấn đề biển Đông. Bên cạnh đó, sau các động thái tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản và Philippines gần đây của Mỹ, Trung Quốc cũng muốn xem thử rằng việc đẩy mạnh hơn nữa hành động quân sự tại biển Đông có thể kéo Mỹ vào tranh chấp này hay không, hay Mỹ sẽ chỉ tiếp tục “ủng hộ tinh thần” và giữ thái độ trung lập như nước này luôn tuyên bố.
Thứ ba, phép thử này là phương pháp “đẩy lửa ra ngoài” mà Trung Quốc đã sử dụng khá nhiều trong thời gian qua. Suốt từ đầu năm đến nay, nước này luôn phải vật lộn với bạo động và bất ổn do các cuộc tấn công của các phần tử cực đoan Duy Ngô Nhĩ, cùng với biểu tình phản đối chính quyền tại một số thành phố lớn, chưa kể đến cuộc đấu tranh nội bộ từ siêu vụ án Chu Vĩnh Khang. Để xoa dịu tình hình trong nước và kêu gọi sự thống nhất của nhân dân, Trung Quốc đã biến sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 thành một cuộc đối đầu “nguy hiểm” với Việt Nam như một công cụ tuyên truyền.
Đánh vào lòng người
Từ ba mục tiêu trên, dù đã huy động tới hơn 100 tàu thuyền các loại, Trung Quốc vẫn không hề thể hiện sẵn sàng để xung đột leo thang. Một mặt, Bắc Kinh dự đoán rằng Chính phủ Việt Nam vẫn đang cố hết sức có thể để kiềm chế tình hình trong phạm vi giải quyết của các biện pháp ngoại giao. Mặt khác “công thành vi hạ, công tâm vi thượng” (đánh vào thành là hạ sách, đánh vào lòng người mới là thượng sách) theo nghĩa của các nhà chiến lược Trung Quốc hướng tới giữ một nhịp độ di chuyển quân sự mang tính vừa phải để duy trì căng thẳng mức độ chấp nhận được. Một là khẳng định chủ quyền trên thực tế. Hai là chờ cho phía Việt Nam mắc sai lầm về quân sự khi bị chèn ép. Ba là tạo điều kiện bên trong cũng như bên ngoài để theo đuổi các mục đích chính trị.
Trung Quốc muốn đánh vào lòng người bằng sức mạnh và đe dọa thì chúng ta cần chiếm nhân tâm bằng lý lẽ và chính nghĩa. Một Trung Quốc ngang ngược bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế đang tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để khẳng định tính chính danh trong tuyên bố chủ quyền. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phải kiên trì đấu tranh và khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, phải sẵn sàng bỏ đi thứ “hữu nghị viển vông” để thu hút nhân tâm.
Cái “tâm” đầu tiên mà chúng ta cần chú ý chính là cái “tâm” của cộng đồng quốc tế. Bởi lẽ để giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình thì ưu thế thương lượng của các bên không chỉ được quyết định bởi sức mạnh nội tại mà còn nhờ vào sự ủng hộ của công luận khắp nơi. Nếu không thể thu phục nhân tâm, thì tính chính danh của Việt Nam sẽ không được ủng hộ, khả năng tập hợp lực lượng và tận dụng ngoại lực cũng từ đó suy giảm; hy vọng giải quyết tranh chấp biển Đông một cách hòa bình và công bằng cũng khó có thể trở thành hiện thực.
Cái “tâm” thứ hai chính là cái “tâm” của nhân dân, nhưng không chỉ người dân Việt Nam mà còn là người dân Trung Quốc. Sự kiện vừa qua đã cho thấy, nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đang rất đoàn kết trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Còn về phía nhân dân Trung Quốc, số lượng người ủng hộ Việt Nam và phản đối sự phi nghĩa của Chính phủ Trung Quốc đang ngày càng tăng lên, không chỉ trong giới học giả, mà còn trong cả các diễn đàn công cộng. Hơn nữa, việc lạm dụng chiêu bài “đẩy lửa ra ngoài” cùng với kích động “chủ nghĩa dân tộc quá khích” đang dẫn tới những hậu quả càng tiêu cực hơn khi bạo động tại Tân Cương, Tây Tạng… đang ngày càng trở nên căng thẳng và các hành động khủng bố nội địa đã bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhóm cực đoan quốc tế.
Đánh vào “nhân tâm” qua hai mục tiêu trên là một nhiệm vụ khó, nhưng cần phải làm để giành thế chủ động trong cuộc đua “công tâm vi thượng”.
T.S