Ước vọng làm giàu từ việc nuôi thú lạ!

Cập nhật: 02-04-2011 | 00:00:00

Với lòng say mê tìm tòi cách nuôi các loại thú “độc”, anh Hoàng Thanh  ngụ tại khu phố 9, phường Phú Lợi, TX.TDM đã quyết tâm gây dựng nên một mô hình trang trại tổng hợp nuôi các loại vật nuôi mà mình yêu thích.

Từ “say” con kỳ nhông...

Nằm trong một con hẻm nhỏ của khu phố 9, phường Phú Lợi, trang trại của anh rất khiêm tốn với diện tích nhỏ và cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nhưng đến khi tìm hiểu chúng tôi mới biết rằng nó chứa đựng niềm đam mê của một chàng thanh niên với các loài vật lạ và trang trại này cũng hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao.

Rắn hổ vện, loài vật nuôi chủ lực của trang trại

Dúi – loài vật nuôi hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao

Loài vật đầu tiên mà anh nuôi chính là con kỳ nhông. Anh Thanh đến với “nghề” nuôi kỳ nhông cũng rất tình cờ. Chàng thanh niên 33 tuổi quê gốc Nam Định này vốn là một công nhân cơ khí, trong thời gian làm việc tại Bình Thuận anh gặp người bạn cũ tại đây đang nuôi kỳ nhông. Lúc đầu anh cũng không nghĩ loại vật nuôi này có giá trị kinh tế cao mà anh chỉ thấy việc nuôi nó cũng hay hay. Được người bạn rỉ tai, anh cùng góp vốn mở rộng diện tích chăn nuôi và từ đó anh dần dần nhìn ra giá trị kinh tế của loài vật nuôi này. Đến năm 2007, phần đất trại kỳ nhông này nằm trong diện phải giải tỏa nên anh chuyển về phường Phú Lợi để tiếp tục theo đuổi ước mơ. Hôm chúng tôi đến thăm khu nuôi nhốt kỳ nhông của anh, mới chỉ mới bước vào khu nuôi nhốt, bầy kỳ nhông đã chui xuống các hang cát mất tăm. Phải khá vất vả anh mới bắt được vài con để cho chúng tôi quan sát. Anh cho hay thịt loài vật này ăn ngon hơn cả thịt gà và hiện nay đang rất có giá. Phần thiết kế trại nuôi kỳ nhông của anh cũng khá đơn giản. Anh làm tường rào bao, một vài đoạn anh còn tận dụng luôn cả tường nhà hàng xóm để tạo ra diện tích rộng hơn. Các phần tường rào này phải được xây trơn láng, không có độ bám dính để cho kỳ nhông không leo ra ngoài được. Phía trên bờ rào anh cho căng lưới để mèo không vào cắn phá bầy kỳ nhông. Mặt nền đất khu nuôi anh rải một lớp cát để cho kỳ nhông đào hang. Anh cho biết loài vật ưa nắng gió này rất dễ nuôi vì nó ít bệnh tật, thức ăn của nó cũng phong phú, chủ yếu là các loại rau; khi đến mùa sinh sản nó cũng tự đào hang đẻ trứng, khi sinh ra con thì nên bắt nuôi riêng một thời gian để tránh bị các con lớn cắn chết, sau một thời gian mới thả chung.

Đến nay sau một năm nuôi, đàn kỳ nhông của anh đã lên đến hàng ngàn con. Loại vật nuôi này lớn nhất có thể nặng lên đến 0,5kg, mỗi năm đẻ 1 lứa, 1 lứa khoảng 4 trứng, mỗi con nuôi khoảng 0,2 - 0,3kg là có thể đem bán được. Hiện nay giá bán loài vật nuôi này là từ 370.000 - 400.000 đồng/1kg. Theo anh Thanh nuôi loài kỳ nhông này nhất thiết khu nuôi nhốt phải khô thoáng, tránh bị ngập úng, nếu ngập úng kỳ nhông sẽ chết.

Đến mê con dúi, con rắn

Dúi là một loài vật rất khó nuôi nhưng với anh Thanh nuôi không những phát triển bình thường mà còn có thể cho dúi sinh sản. Có dịp đi đến các địa phương khác anh thấy nhiều người bán con dúi với giá rất cao và anh nảy ra ý tưởng nuôi loài vật nuôi này theo kiểu mô hình kinh tế kết hợp giải trí. Để có thể nuôi thành công loài vật nuôi này anh đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian tìm hiểu về cách nuôi. Lúc  đầu nuôi anh cũng vấp phải một số khó khăn như dúi không tăng trọng, không đẻ, đến khi đẻ rồi thì các con lớn lại thường cắn chết con con... Nhưng với lòng say mê tìm hiểu khám phá và không ngại thất bại anh quyết tâm nuôi thành công loại vật này cho bằng được...

Hiện tuy anh chỉ mới dừng lại ở bước nuôi để bán giống nhưng giá trị kinh tế mang lại cũng rất cao. Trung bình một cặp dúi giống có giá bán từ 800.000 - 1 triệu đồng. Nuôi loại vật này cần chú ý nhất đến nguồn thức ăn (thức ăn phải phù hợp dúi mới ăn) và tuyệt đối không cho dúi uống nước. Món khoái khẩu của chúng là ngọn mía, khoai lang, các loại xương động vật... Chuồng nuôi loại vật này cũng không cần lớn mà chỉ cần thoáng khí và tránh nắng, mưa. Bản tính của loài dúi rừng là rất hung hăng, anh Thanh cũng đã vài lần bị con vật nuôi này cho vài vết sẹo “để đời” bởi hàm răng sắc bén của nó, đến nay đã nuôi một thời gian lâu rồi nhưng với cặp dúi bố mẹ gốc rừng anh cũng không dám đụng vào. Tuy nhiên đó chỉ là cặp dúi bố mẹ, còn với con non nuôi lớn lên lại rất “hiền”. Kinh nghiệm cho dúi đẻ của anh là phải tạo hang cho dúi bố mẹ tự kết đôi và đẻ con, một năm dúi có thể đẻ 2 - 3 lứa, mỗi lứa trung bình 2 con. Đến khi con non bò ra ngoài hang tìm thức ăn thì mới bắt nuôi riêng. Một năm dúi có thể tăng trọng từ 1 - 1,2kg.

Trong các loại vật mà anh Thanh đang sở hữu hiện nay thì rắn hổ vện là loại vật có giá trị kinh tế cao nhất. Cũng giống như con kỳ nhông và con dúi, với con rắn hổ vện anh cũng phải tự mày mò tìm ra cách nuôi sao cho hiệu quả nhất. Để có được nguồn rắn giống, anh phải lặn lội đến các tỉnh miền Tây tìm mua. Hiện nay anh tập trung vào nuôi rắn hổ vện và nuôi thử nghiệm rắn ri voi. Hiện tại bầy rắn hổ vện hơn 200 con của anh phát triển rất ổn định. Theo anh, nuôi rắn tại Bình Dương có thể chủ động về nguồn thức ăn từ các trại nuôi ếch vì ếch là món khoái khẩu của rắn. Các loại thức ăn khác của rắn hổ vện là chim, chuột, cóc, nhái... Rắn hổ vện có giá trị kinh tế rất cao, khoảng hơn 1 triệu đồng/kg. Tuy nhiên loài rắn này cũng rất dễ bị nhiễm các loại bệnh như viêm phổi, sán... Thiết kế chuồng trại nuôi loài vật này cũng cần bảo đảm độ an toàn. Anh Thanh cho biết, đến mùa sinh sản cần tạo không gian yên tĩnh để rắn tự bắt cặp với nhau. Một con cái có thể đẻ từ 10 - 20 trứng. Sau khi rắn đẻ thì lấy trứng ra ấp riêng và con non nuôi nhốt riêng một thời gian mới cho vào chung các đàn khác. Ngoài ra để có thể chủ động nguồn thức ăn cho các vật nuôi của mình anh Thanh cũng đã tự mày mò nuôi sâu Thái. Sâu Thái anh nuôi cũng rất thành công và cũng bán được với giá rất cao nhưng anh vẫn chỉ để lại làm thức ăn cho các vật nuôi của mình.

Và ước vọng làm giàu của tuổi trẻ

Để có thể xây dựng thành công được trang trại như ngày hôm nay thời gian đầu anh không ngại lặn lội đến tìm hiểu kinh nghiệm của các trang trại từ Bắc vào Nam và cũng vấp phải nhiều thất bại. Nơi nào nghe có nuôi loại vật mà mình muốn nuôi anh lại lập tức lên đường. Hiện nay trang trại của anh hoạt động theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. Vật nuôi chủ lực của anh vẫn là con rắn hổ vện. Hiện có rất nhiều đơn đặt hàng nhưng anh chỉ có thể cung ứng được một phần nhỏ nhu cầu này. Anh Thanh tâm sự: “Nuôi các loài vật này không khó cũng không dễ, điều quan trọng là phải có lòng đam mê. Thời gian tới sau khi có thể chủ động được nguồn thức ăn tôi mới mở rộng mô hình này ra. Với những ai muốn làm mô hình này cũng phải làm từ từ để kiểm nghiệm độ thích hợp của vật nuôi rồi sau đó mới tính đến bước mở rộng chuồng trại”.

Thời gian qua trang trại nhỏ của anh cũng có rất nhiều người đến tham quan tìm hiểu. Với ai anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, ngay cả kinh nghiệm “độc” của riêng anh. Nhìn bàn tay đầy những vết sẹo do các con vật nuôi của anh gây ra tôi càng khâm phục tấm lòng say mê và cũng vui cùng anh khi biết nếu năm tới nuôi thành công 400 cặp rắn hổ vện thì số tiền anh thu về cũng sẽ hơn 1 tỷ đồng, xứng đáng với những công sức mà anh bỏ ra lâu nay.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1223
Quay lên trên