Người Afghanistan, sơ tán khỏi tỉnh Takhar để tránh xung đột, chờ nhận lương thực viện trợ tại Kabul.
Ngày 15/8, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) đã hối thúc các chính phủ và các nhà tài trợ gạt quan điểm chính trị sang một bên đối với chính quyền Taliban và nối lại viện trợ đến các cơ quan của Afghanistan nhằm giải quyết tình hình nhân đạo tại đây.
Afghanistan đang đối mặt với tình trạng nghèo đói, hạn hán và suy dinh dưỡng ngày càng nghiêm trọng khiến hơn 50% trong tổng dân số 40 triệu người của nước này phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.
ICRC là một trong những bên cung cấp viện trợ, sau khi các nhà tài trợ đột ngột dừng cung cấp tài chính nhằm thể hiện quan ngại về việc lực lượng Taliban lên nắm quyền.
Để bù đắp việc thiếu hụt ngân sách, ICRC đã hỗ trợ cho khoảng 33 bệnh viện để duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên, thậm chí là cung cấp nhiên liệu cho xe cứu thương và các suất ăn cho bệnh nhân.
Tổng Giám đốc ICRC Robert Mardini nhấn mạnh đây không phải là giải pháp bền vững bởi các tổ chức nhân đạo không thể thay thế các cơ quan nhà nước.
Do đó, ICRC mong muốn các chính phủ và các cơ quan phát triển nối lại viện trợ cho người dân Afghanistan.
Kể từ khi Taliban trở lại nắm chính quyền tại Afghanistan vào giữa tháng 8/2021, nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp gia tăng.
Hiện 70% số hộ gia đình Afghanistan không thể lo đủ các nhu cầu cơ bản, khoảng 22,8 triệu người (hơn 50% dân số) không được đảm bảo an ninh lương thực và 3 triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Các nhà kinh tế và các chuyên gia lo ngại tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi Mỹ từ chối trả lại cho ngân hàng trung ương Afghanistan 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong khi các nước Anh, Đức và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đang đóng băng 2 tỷ USD./.
Theo TTXVN