Sáng 13/7, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 42.
Trong ngày đầu tiên của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề nghị của Chính phủ về việc miễn, giảm, giãn thuế trong năm 2011 và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc HộiTờ trình về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011 do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày cho biết Chính phủ đã thực hiện gia hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nay tiếp tục mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội (đường, trường, điện, thủy lợi, y tế...) và một số ngành nghề kinh doanh quan trọng.
Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn, giảm thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 nêu trên; Giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp từ quý III/2011 đến hết năm 2011 đối với các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê, giá trông giữ trẻ và cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010;
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét miễn thuế đối với cổ tức được chia từ đầu tư vào thị trường chứng khoán và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp, từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán và từ tiền lương, tiền công, kinh doanh.
Đa số Ủy viên Ủy ban đồng tình với tờ trình của Chính phủ và cho rằng, năm 2011 là năm nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát tăng cao ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng kịp thời các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, giảm bớt khó khăn cho người lao động là cần thiết.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho biết nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, việc áp dụng các giải pháp miễn, giảm thuế tại thời điểm hiện nay cũng cần được cân nhắc, xem xét thận trọng.
Theo ông Hiển, việc hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp không giải quyết được tận gốc khó khăn của doanh nghiệp.Vấn đề lớn nhất hiện nay doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu vốn và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay và mức lãi suất vay quá cao.
Ngoài ra, ông Hiển cho rằng việc lồng ghép quá nhiều chính sách xã hội vào chính sách thuế sẽ không bảo đảm tính trung lập của thuế và việc miễn, giảm thuế tại thời điểm hiện nay cho một số đối tượng sẽ khó bảo đảm tính khả thi, thiếu chặt chẽ trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực và gây nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Về ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng theo kinh nghiệm của năm 2009, việc triển khai miễn giảm thế đã thực hiện rất tốt. Kiểm toán đã kiểm tra lại toàn bộ quá trình thực hiện công việc này ở cơ quan thuế và hải quan thì sai sót chỉ là rất nhỏ, khoảng 1%.
Bộ trưởng cũng khẳng định việc thực hiện các giải pháp sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh (giảm bớt được vay vốn với lãi suất cao), người lao động bớt khó khăn, ổn định đời sống, từ đó có động lực để yên tâm lao động, sản xuất kinh doanh.
Như vậy, tổng số thuế giãn năm 2011 khoảng 6.900 tỷ đồng (sẽ thu vào năm 2012); Tổng số thuế miễn, giảm năm 2011 khoảng 4.200 tỷ đồng; Tổng số thuế miễn, giảm năm 2012 khoảng 2.200 tỷ đồng.
Nhận xét về các con số này, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng chỉ bằng 1/10 số miễn, giảm, giãn của năm 2009, trong đó, số tiền giãn thuế chỉ bằng 1/3 so với số giãn của năm 2009 nên sức lan tỏa của chính sách không cao nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách nhà nước”...
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền nhận định, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, với mức vay này không doanh nghiệp nào trụ được nhưng vẫn phải vay để duy trì sản xuất. Trong 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ còn khó khăn hơn.
Trong thời điểm hiện nay chỉ có thể chờ đợi ở chính sách thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, việc giảm lãi suất ngân hàng không đơn giản vì không thể dùng ý chí để giảm ngay lãi suất xuống được. Chính sách miễn giảm thuế được ban hành lúc này là cần thiết, tạo tâm lý tích cực cho thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước và một số Ủy viên nhấn mạnh đến hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát để các chính sách này đi vào đúng đối tượng được thụ hưởng và không bị lợi dụng để mang lại hiệu quả như mong muốn.
Kết luận phiên thảo luận về chính sách miễn, giảm thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Chính phủ cần thận trọng khi triển khai, tránh việc cào bằng và hỗ trợ không đúng đối tượng. Cần tăng cường hậu kiểm đối với các doanh nghiệp có nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và hạn chế tối đa lồng ghép chính sách xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để Chính phủ trình ra Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII tiếp tục xem xét.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về việc ban hành Biểu thuế bảo vệ môi trường, tập trung vào một số vấn đề cụ thể như mức thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, thuế suất đối với môi chất làm lạnh chứa hydro-chloro-fluoro-carbon (Dung dịch HCFC ), thuế đối với t úi nhựa xốp (túi ni lông) , thuế suất đối với thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.
Theo đó, mức thuế thu đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ bằng với mức phí xăng dầu hiện hành. Hiện xăng, dầu mỡ nhờn đang chịu phí xăng dầu, khi Luật thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực, sẽ không thu phí xăng dầu mà chuyển sang thu thuế bảo vệ môi trường. Xăng, nhiên liệu bay mức thu 1.000đ/lít, dầu diesel mức thu 500 đồng/lít, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn mức thu 300đồng/lít…
Đối với than đá, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, than là sản phẩm gây ô nhiễm nặng cho môi trường; phạm vi sử dụng than hiện nay là khá phổ biến với khối lượng gần 30 triệu tấn/năm. Ngoài ra, việc khai thác bừa bãi than đã hủy hoại môi trường, dẫn đến tài nguyên này ngày một cạn kiệt, gần đây nhiều doanh nghiệp đã phải nhập khẩu than với khối lượng lớn.
Do đó, có ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế đối với mặt hàng than theo hướng tăng hơn so với Dự thảo từ 5.000đồng đến 10.000 đồng /tấn. Đối với mặt hàng t úi nhựa xốp (túi ni lông) , D ự thảo nghị quyết quy định mức thuế đối với túi nhựa xốp là 40.000đồng/kg (khung thuế suất là 30.000-50.000đồng/kg). Mức thu này bằng khoảng 130% giá bán hiện hành của loại túi này.
Tuy nhiên, cho dù có áp dụng mức thuế này thì vẫn khó có thể làm người tiêu dùng từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông. Do vậy, bên cạnh việc áp thuế suất cao đối với mặt hàng túi nhựa xốp, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất sản phẩm thay thế như túi giấy, túi có thể tái chế,… để góp phần bảo vệ môi trường...
Dự kiến, Dự thảo Nghị quyết ban hành Biểu thuế bảo vệ môi trường sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét thông qua vào ngày mai 14/7.
Theo TTXVN