Đến thời điểm hiện tại, các công đoàn cấp trên cơ sở trên địa bàn tỉnh đã thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại doanh nghiệp (DN) đạt khoảng 70%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 85%. Việc ký kết TƯLĐTT nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ) và cả DN.
Nhờ khéo léo trong việc đề ra TƯLĐTT, ông Lê Văn Biền (trái), Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Response (TP.Tân Uyên) cùng Ban Chấp hành CĐCS công ty đã đưa nhiều điều khoản có lợi cho người lao động vào TƯLĐTT
Luôn sát cánh cùng người lao động
Những năm gần đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh không ngừng phối hợp với các cấp công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền việc ký kết TƯLĐTT đến từng DN. Cùng với đó, đơn vị mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn các cấp trong việc nâng cao kiến thức hoạt động công đoàn, khéo léo đàm phán với chủ DN đưa vào thỏa ước những điều khoản mà NLĐ quan tâm, tiến tới ký kết đạt kết quả cao TƯLĐTT.
Nội dung ký kết TƯLĐTT xoay quanh các vấn đề chăm lo tốt đời sống NLĐ tại DN, như: Tiền lương, thưởng, phụ cấp tăng ca, bữa cơm công nhân, chăm lo NLĐ vào các dịp lễ, tết, những trường hợp ốm đau, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Tùy vào tình hình phát triển kinh tế của DN mà công đoàn cơ sở (CĐCS) xây dựng các chương trình chăm lo đời sống NLĐ, sau đó tiến tới ký kết TƯLĐTT. Hiệu lực ký kết TƯLĐTT có thời hạn từ 1 đến 3 năm.
Ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Tân Uyên, cho biết trên địa bàn hiện có 2 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp với hơn 1.750 DN hoạt động, thu hút hàng chục ngàn lao động từ các địa phương khác đến sinh sống, làm việc. Bên cạnh phối hợp tốt với các sở, ngành và địa phương bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo đời sống NLĐ, LĐLĐ thành phố luôn phối hợp tốt với CĐCS nắm bắt đời sống, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Từ đó, đơn vị tập trung tuyên truyền, xây dựng mối quan hệ hài hòa tại các DN, trong đó có việc ký kết TƯLĐTT, đảo đảm đời sống, việc làm cho NLĐ. Đơn vị còn theo dõi sát sao các CĐCS sắp hết thời hạn ký kết TƯLĐTT để đốc thúc triển khai ký mới.
Ông Lê Văn Biền, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Response (TP.Tân Uyên), chia sẻ: “Trong ký kết TƯLĐTT, Ban Chấp hành CĐCS đóng vai trò chủ đạo, quyết định sự thành công hay thất bại trong những lần đại diện cho NLĐ ký kết với lãnh đạo DN. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, ký kết TƯLĐTT là ký kết những vấn đề chăm lo cho NLĐ, nhưng nằm ngoài quy định của Luật Lao động. CĐCS phải xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa NLĐ và chủ DN; luôn lắng nghe, nhìn thấy tâm tư của NLĐ, nhưng đồng thời phải thấu hiểu tình hình hoạt động của DN trong từng giai đoạn, thịnh hay suy để thực hiện các thỏa ước”, ông Lê Văn Biền nói.
Ông Biền lý giải thêm, nếu DN của mình trong giai đoạn khó khăn về đơn hàng, việc làm thì những đề xuất ký TƯLĐTT tốn nhiều kinh phí cho DN sẽ rất khó thành công. Những lúc như thế, mọi người phải cùng nhau gánh vác khó khăn chung... Đó là chưa nói cán bộ CĐCS phải khéo léo trước khi đại diện cho NLĐ đề xuất các giải pháp chăm lo cho NLĐ với chủ DN. Những đề xuất ấy có khi không phải trên bàn họp, mà trao đổi qua những lần trò chuyện vui với chủ DN như ngồi uống trà, cà phê, nắm tâm lý của chủ DN trước theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” rồi mới đi đến quyết định then chốt lúc cần.
Thực hiện trước, ký kết sau
Theo tìm hiểu của P.V, hiện hầu hết các DN thực hiện ký kết TƯLĐTT 2 năm 1 lần. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để CĐCS xây dựng dựng các mô hình chăm lo cho NLĐ; cùng các vấn đề khách quan như trượt giá, cũng như diễn biến hoạt động của DN tốt hay xấu trong thời gian này để kịp thời điều chỉnh.
Điển hình như Ban Chấp hành CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TP.Dĩ An) chưa từng thất bại trong những nội dung đề ra trong những lần ký kết TƯLĐTT với DN. Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch CĐCS công ty, chia sẻ một phần nhờ tình hình kinh doanh của DN luôn ổn định, lãnh đạo DN luôn chia sẻ khó khăn với NLĐ, nhưng quan trọng hơn vẫn là phương pháp, cách thức tổ chức, đề xuất từ phía CĐCS đưa ra. Đó là nội dung được CĐCS đưa vào thỏa ước phải được thực hiện trước, qua vài lần thực hiện thấy ổn, không vấn đề gì về kinh phí và được NLĐ hưởng ứng thì khi ký thỏa ước sẽ được CĐCS đưa vào.
Chị Phạm Thị Tuyết Nhung lấy ví dụ như vài năm trước, công ty tăng cường thêm món tráng miệng vào các bữa ăn cuối tuần, còn các ngày kỷ niệm thì công ty hỗ trợ để có bữa ăn chính đặc biệt, chi phí gấp đôi bữa ăn bình thường. Việc này được thực hiện rất ổn nhưng chưa có trong TƯLĐTT, đến kỳ ký TƯLĐTT mới, CĐCS đưa vào và liền được duyệt ngay... Hay việc công nhân đi làm ca đêm tâm sự rất mệt mỏi, mất sức, mong muốn được DN bồi dưỡng thêm. CĐCS nhận thấy đây là nhu cầu chính đáng và đã đề xuất ban lãnh đạo ngoài chế độ tiền tăng ca đêm theo quy định của Luật Lao động sẽ tăng thêm tiền tăng ca đêm 5.000 đồng/giờ. Sau vài lần thương lượng, CĐCS đã thuyết phục được lãnh đạo công ty phê duyệt chính sách này và hiện nay đã đưa vào TƯLĐTT...
Từ những chia sẻ trên cho thấy, việc chuẩn bị kỹ những nội dung thỏa ước, chọn thời điểm để yêu cầu DN ký TƯLĐTT là rất quan trọng. Giai đoạn DN “thuận buồm xuôi gió” trong làm ăn sẽ nhận được sự đồng thuận cao trước các nội dung mà CĐCS đưa ra trong những lần ký TƯLĐTT. Ngược lại, khi DN gặp khó khăn, CĐCS chỉ xét lấy những nội dung cần thiết, quan trọng đưa vào thỏa ước để đạt kết quả cao nhất.
QUANG TÁM