Bình Dương phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chính thức ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc, mở ra phương thức vận chuyển mới, hiệu quả, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí, tiếp cận các thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, trung tâm công nghiệp sản xuất công nghiệp của Trung Quốc dễ dàng hơn.
Rút ngắn thời gian, giảm chi phí
Trao đổi với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Thanh Bình đánh giá trong bối cảnh khó khăn chung, việc mở thêm phương thức vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa. Đặc biệt, đối với hàng hóa là nông sản, sử dụng đường sắt là phương án tối ưu nhất giúp tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN), nâng cao sức cạnh tranh.
Hình ảnh chuyến tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Bình Dương xuất phát từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc
“Thực tế tại Bình Dương, việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK) bằng đường sắt giúp giải quyết được tình trạng quá tải của vận chuyển đường bộ, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, nâng cao kim ngạch XNK của tỉnh”, ông Nguyễn Thanh Bình, cho biết thêm. Cũng theo lãnh đạo Hải quan Bình Dương, một lợi ích khác mang lại trong tương lai của dịch vụ vận chuyển này là tạo điều kiện hình thành trung tâm logistics của tỉnh và cả vùng Nam bộ, kéo theo sự gia tăng cung ứng các dịch vụ kèm theo, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, góp phần đạt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương.
Dự kiến đầu tháng 10- 2023, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có lô hàng (thử nghiệm, 1-2 container của nhiều chủ hàng khác nhau) nhập khẩu từ Trung Quốc vào kho CFS - TBS Tân Vạn (thuộc sự quản lý của Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh). Sau đó, tùy theo tình hình, mục đích sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, DN (chủ hàng) thực hiện đăng ký tờ khai hải quan theo các loại hình tương ứng (kinh doanh, gia công, sản xuất, xuất khẩu…) để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trên địa bàn. |
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Công ty TBS Logistics, đơn vị đầu tiên vận chuyển hàng hóa đi Trung Quốc qua ga Sóng Thần, chia sẻ: “Việc vận hành đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc là tin vui cho DN xuất khẩu nói chung và DN làm dịch vụ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nói riêng. Trước đây, muốn đưa hàng sang Trung Quốc, DN phải vận chuyển bằng đường bộ ra ga Yên Viên (Hà Nội) hoặc ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), sau đó mới làm thủ tục mở tờ khai để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nay DN có thể mở tờ khai trực tiếp tại Cục Hải quan Bình Dương và ga Sóng Thần đưa thẳng hàng hóa sang nước bạn. Điều này rút ngắn được thời gian, giảm 1/2 chi phí vận chuyển”.
Xây dựng trung tâm logistics vùng
Ga liên vận quốc tế Sóng Thần (TP.Dĩ An) là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam, đây là một lợi thế giao thông lớn của tỉnh. Tuy nhiên, ga Sóng Thần từ trước tới nay chỉ phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, chưa tham gia vào hoạt động liên vận quốc tế, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế.
Việc Cục Hải quan Bình Dương tham mưu UBND tỉnh nâng cấp hạ tầng và áp dụng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt là bước tiến mới. Tương lai, trong quy hoạch của Bình Dương ga liên vận quốc tế Sóng Thần sẽ trở thành trung tâm logistics quy mô lớn của khu vực phía Nam, mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa XNK mới hiệu quả hơn, hỗ trợ DN có thể dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ... của Trung Quốc.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết các hoạt động vận tải đường sắt nói chung và hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc nói riêng thời gian qua có sự chuyển biến rất tích cực. Vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho các DN hai nước trong giao thương. Nhờ đó, sản lượng vận tải liên tục tăng trưởng qua các năm. Cuối năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận phương án “Nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt”, đặt mục tiêu trong những năm tới, sản lượng hàng hóa vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ tăng trưởng mạnh gấp 3 - 4 lần hiện nay. Đây là tiền đề quan trọng để VNR hiện thực hóa mục tiêu đưa cửa khẩu đường sắt vào sâu trong nội địa, khai thác thế mạnh vận chuyển bằng đường sắt phục vụ hoạt động XNK của các DN trên cả nước, trong đó có ga Sóng Thần, tỉnh Bình Dương.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh tích cực, chủ động phối hợp Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tham mưu quy hoạch trung tâm logistics tại TP.Thuận An, TP.Dĩ An và khu vực ga Sóng Thần, Khu công nghiệp Sóng Thần theo hướng trở thành đầu mối trung tâm logistics của tỉnh. Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, đo đạc, kiểm tra hiện trạng, xác định ranh giới đất của đường sắt tại bãi hàng An Bình để xây dựng kho bãi đạt chuẩn ga liên vận quốc tế Sóng Thần. Tập trung xem xét hướng dẫn, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai phương án tổ chức vận tải hàng hóa bằng đường sắt từ ga Sóng Thần hiệu quả hơn.
TIỂU MY - CẨM TÚ