Trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng ưu đãi đặc biệt, là một trong 3 nhóm đối tượng được hưởng những quyền lợi cao nhất về giáo dục, nước sạch - vệ sinh môi trường, y tế... Từ ngày 28-11-2008, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế công lập. Từ cuối năm 2009, trên toàn quốc đã chuyển giao thẻ KCB miễn phí sang thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ước tính đến hết tháng 9-2011, BHXH Bình Dương đã phát hành 133.070 thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, không phân biệt trẻ có hộ khẩu hay tạm trú. Nhưng thực tế vẫn còn một số bé chưa có thẻ và ngay cả các bé đã có thẻ vẫn chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu ái này.
Bé được ưu tiên, cha mẹ nhẹ lo
Dược sĩ Lê Quang Doãn, Phó Giám đốc BHXH Bình Dương cho biết: “Các ngành y tế và BHXH làm rất tốt công tác này. Đối tượng này được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên, ngoài việc được BHYT chi trả 100%, còn có một số nhóm thuốc đặc biệt được chi điều trị cho trẻ”.
Các bé được điều trị bệnh tay chân miệng tại BVĐK Bình Dương
Chúng tôi đến thăm các bé bị ngộ độc thực phẩm tại BVĐK Thuận An, chị Lê Thị Nhi, 27 tuổi tạm trú phường Bình Hòa, TX.Thuận An, quê Quảng Trị, công nhân Công ty Sinwa, KCN VSIP là mẹ bé Nguyễn Mai Phương, 3 tuổi, cho biết: “Con tôi bị ngộ độc, vào bệnh viện đã mấy đợt và được điều trị rất nhiệt tình. Mấy cô, mấy bác ở bệnh viện rất thương và chăm lo cho bé rất tốt. Chúng tôi không phải đóng một đồng viện phí nào”.
Tại đây, chị Phạm Thị Tuyết, 29 tuổi quê Nam Định, là công nhân Công ty Giày Thái Bình, trọ ở Lái Thiêu, mẹ bé Lê Tuyết Nhi, 4 tuổi, rất hài lòng: “Em không đưa bé đi TP.HCM, vì thấy ở đây điều trị rất tốt, rất nhiệt tình rồi!”. Chị Hà Thị Thiêm, quê Thanh Hóa, mẹ bé Trương Công Thực, 3 tuổi: “Chúng em rất lo bé bị di chứng về sau. Nhưng được các bác sĩ điều dưỡng chăm sóc chu đáo cũng bớt lo phần nào”...
Vì sao một số trẻ chưa có thẻ BHYT?
Vẫn còn khoảng 10 - 15% trẻ em dưới 6 tuổi ở Bình Dương chưa có thẻ BHYT. Do đâu? Dược sĩ Doãn cho biết: BHXH tỉnh có công văn về huyện thị, huyện thị có công văn chỉ đạo về xã lập danh sách cấp thẻ BHYT cho bé dưới 6 tuổi, nhưng một số vẫn bị sót. Và dù ngành BHXH đã tuyên truyền nhiều lần trên các phương tiện truyền thông về vấn đề này nhưng nhiều bậc cha mẹ cũng không quan tâm tìm đến địa phương để hỏi hay khiếu nại quyền lợi cho bé. Đến khi con bệnh, nhập viện cũng không chạy lo thẻ BHYT gấp cho bé. Chỉ cần cầm giấy khai sinh của bé, đến BHXH huyện thị trình bày: bé đang nhập viện, thì sau 30 phút là được cấp ngay thẻ BHYT.
Do quyết định chưa khả thi
Tuy có một số cha mẹ suy nghĩ rất thoáng: “Chúng tôi không xin cấp thẻ BHYT cho bé, là vì bé khỏe mạnh và cũng muốn gia đình tự lo, nhường tiêu chuẩn cho các bé có hoàn cảnh khó khăn”.
Song cũng còn nhiều phụ huynh thắc mắc: “Mấy năm trước, cán bộ địa phương đến tận nhà phát thẻ KCB miễn phí cho bé. Nhưng nay bé bệnh, chúng tôi đưa bé đi khám cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Đồng, thì ở đây không chấp nhận thẻ cũ nên vẫn phải đóng 100% viện phí”. Có phụ huynh nói: “Khi đến bệnh viện trình thẻ BHYT cho bé dưới 6 tuổi, bệnh viện vẫn đòi hộ khẩu, hoặc giấy tạm trú”! Nhiều phụ huynh do di dân làm nay đây mai đó, một số bé mồ côi, một số bé ở vùng sâu vùng xa phần do ý thức cha mẹ kém... vẫn chưa làm giấy khai sinh (GKS) cho bé nên khi bé bệnh không được hưởng quyền lợi. Đã khó khăn càng thêm khó khăn.
Được biết để bảo đảm quyền lợi cho các cháu dưới 6 tuổi, BHXH Việt Nam cũng đã xin ý kiến liên bộ. Trong thông tư hướng dẫn của liên bộ và sau đó được cụ thể hóa bằng Quyết định số 82 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có quy định: Các cháu khi chưa có thẻ BHXH chỉ phải xuất trình GKS khi KCB. Nếu chưa có GKS, có thể xuất trình giấy chứng sinh (GCS). Trong trường hợp không có cả GKS và GCS, có thể lấy xác nhận của UBND cấp xã để có thể KCB. Khi có 1 trong 3 loại giấy tờ đó thì bệnh viện cũng như giám định viên thường trực của cơ quan BHXH tại bệnh viện phải tạo điều kiện, bảo đảm quyền lợi cho các cháu giống như các cháu đã có thẻ.
Nhưng trên thực tế, quyết định này của BHXH chưa khả thi. Vẫn còn quá nhiều phiền hà xung quanh việc KCB BHYT cho đối tượng vốn được ưu đãi đặc biệt này. Mong các ngành chức năng, các cơ sở KCB, lắng nghe tiếng nói của các bậc cha mẹ để các bé được quan tâm hơn; riêng các bậc cha mẹ cũng cần thể hiện sự quan tâm đến con cái. Bởi lẽ một đứa con được cha mẹ sinh ra mà không có cả GKS thì thật buồn và đáng trách.
B.A