Ảnh minh họa.
Ngày 1/6, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết theo báo cáo của các nhà mạng, tính đến hết tháng 5, 4/5 tuyến cáp quang biển quốc tế gặp sự cố thời gian qua đã được sửa chữa xong, khôi phục lại dung lượng truyền dẫn.
Cụ thể, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã hoàn thành việc sửa chữa, khôi phục lại toàn bộ dung lượng trên tuyến trong tuần cuối của tháng 5/2023. AAG là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm SMW3, AAE-1, APG và IA (còn gọi là Liên Á).
Là tuyến cáp kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, AAG được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là 1 trong những tuyến cáp quan trọng và có giá thành tốt để các nhà mạng Việt Nam kết nối ra quốc tế.
Gần đây nhất, cáp biển AAG lần lượt gặp các sự cố vào tháng 2/2022 và tháng 6/2022 trên các cáp nhánh ở cả 2 hướng kết nối đi Hong Kong, Trung Quốc và Singapore.
Hai tuyến cáp biển IA và SMW3 đã hoàn thành việc sửa chữa trong tháng 4/2023. Tiếp đó, vào ngày 20/5, sự cố xảy ra cuối tháng 11/2022 trên phân đoạn S1H của tuyến cáp AAE-1 cũng đã được khắc phục xong, khôi phục hoàn toàn dung lượng.
Như vậy, chỉ còn tuyến cáp Asia Pacific Gateway (APG) có chiều dài 10.400 km, khả năng cung cấp băng thông tối đa 54 Tb/giây và được đưa vào khai thác từ cuối 2016 gặp sự cố và dự kiến sẽ khôi phục vào tháng 6.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng, việc 4 tuyến cáp biển IA, SMW3, AAE-1 và AAG hoàn thành sửa chữa, khôi phục hoạt động bình thường, chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam sẽ được cải thiện do có nhiều lựa chọn kết nối hơn và độ trễ tốt hơn như khi lưu lượng chạy phần lớn qua cáp đất liền. Các nhà mạng cũng sẽ linh hoạt hơn trong việc điều hướng lưu lượng, đảm bảo chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho khách hàng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cũng cho rằng, trong 5 năm tới, Việt Nam cần thêm ít nhất 2-3 tuyến cáp quang biển nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng./.
Theo TTXVN