Mặc dù gặp nhiều khó khăn do các điều kiện khách quan chung của nền kinh tế nhưng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp TX.Thuận An vẫn duy trì phát triển ổn định trong những tháng qua.
Nghề gốm vẫn duy trì và phát triển ở Bình Dương
Những con số đáng ghi nhận
Tính đến hết tháng 6-2011, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn TX.Thuận An ước thực hiện hơn 21.415 tỷ đồng, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2010. Trong đó, doanh nghiệp (DN) quốc doanh thực hiện đạt 399 tỷ đồng, tăng 15,8%; các đơn vị ngoài quốc doanh đạt 5.943 tỷ đồng, tăng 18,2%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 15.072 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ 2010.
Theo đánh giá thì giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn TX.Thuận An tăng hầu hết ở các ngành. Cụ thể như các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm và nước uống, may mặc, giày da, hàng mộc xuất khẩu, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm từ cao su và nhựa, đúc kim loại, công nghiệp tái chế, các dịch vụ gia công phụ trợ cung ứng cho ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ngành có giá trị sản xuất và tổng sản lượng giảm như: công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ hóa chất, chất khoáng phi kim loại, sản xuất guốc, mộc gia dụng, talong vỏ xe, làm ron xe, sản xuất chậu đá mài, mặt bàn đá, gia công đường kết tinh, xay xát lúa, sản xuất gốm sứ, sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng...
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, TX.Thuận An đã thu hút nhiều DN đầu tư thành lập mới và mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực. Các DN ngày càng thích nghi với cơ chế thị trường, nhanh nhạy trong điều hành sản xuất - kinh doanh, mở rộng mối quan hệ thị trường, nắm bắt thông tin, tạo được nhiều bạn hàng trong và ngoài nước.
Thuận lợi và thách thức
Để có được sự tăng trưởng nói trên, chính quyền TX.Thuận An cũng như bản thân các DN đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Các hình thức huy động vốn ngày càng đa dạng, các DN cố gắng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh.
Ở cấp độ vĩ mô, sự can thiệp rất kịp thời của Chính phủ qua việc chủ động kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế bằng việc tổng hòa các biện pháp bao gồm: chính sách tài khóa, chính sách đầu tư, quyết liệt cắt giảm tổng cầu, chính sách xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu, tăng cường xuất khẩu và nhất là áp dụng các biện pháp kích cầu đầu tư thông qua xúc tiến thương mại, khuyến công... các biện pháp kích thích tiêu dùng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa nhằm ổn định sản xuất, giá cả, chất lượng và xuất xứ hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp TX.Thuận An vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Việc di dời các cơ sở gốm sứ ra khỏi khu vực dân cư ở thị trấn Lái Thiêu - An Thạnh cũng đã tác động rất lớn đến các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất khuôn gốm, chế biến men gốm sứ, đóng bao bì gỗ chứa hàng, các lao động có tay nghề kỹ thuật tại địa phương, các dịch vụ mua bán thương mại cung ứng nhu cầu tiêu dùng của công nhân ngành gốm trong huyện.
Tình hình lạm phát vẫn còn ở mức cao, giá cả thị trường biến động mạnh với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, giá điện, giá nước, cao su, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, tình hình cung cấp điện không ổn định, cúp điện luân phiên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng của các DN và người tiêu dùng.
Ngoài ra, giá trị tổng sản lượng các ngành thuộc thị xã quản lý có xu hướng giảm là do sự dịch chuyển loại hình kinh doanh từ cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ, lẻ thành các công ty, DN với quy mô lớn hơn thuộc tỉnh quản lý và chủ trương không thu hút các dự án đầu tư sản xuất, chế biến và gia công mới ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn TX.Thuận An của UBND tỉnh. Đó là một số khó khăn mà ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp TX.Thuận An gặp phải nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu hết mình của DN và chính quyền địa phương đã giúp cho ngành đầu tàu của địa phương vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế là điều đáng được khích lệ.
Phương An