Tập trung xử lý các cống thoát nước và các điểm ngập úng nội bộ trên một số tuyến đường vào mùa mưa ở các địa phương là một trong 16 nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh đưa ra nhằm thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2011. Đây cũng là vấn đề gây bức xúc cho sinh hoạt của nhân dân được cử tri nhiều lần phản ánh, kiến nghị giải quyết. Tuy nhiên, mùa mưa đã đến nhưng xem ra các biện pháp chống ngập vẫn còn đâu đó trên giấy tờ.
Tình trạng ngập nước sau những cơn mưa lớn trên một số tuyến đường trong địa bàn nội ô ở TX.TDM, TX.Thuận An và Dĩ An đã tồn tại từ nhiều năm nay và trở thành chuyện “biết rồi, nói mãi”. Điều đáng nói là mặc dù UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các huyện, thị thực hiện các biện pháp chống ngập, song ngay từ đầu mùa mưa những điểm ngập nước trước đây vẫn tiếp diễn thậm chí còn xuất hiện nhiều điểm ngập mới.
Năm 2011, đường Hồ Văn Cống (TX.TDM) đã ghi tên mình vào danh sách các điểm ngập nước
Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng, TX.Thuận An hiện đang dẫn đầu với số điểm ngập là 17, đứng sau là TX.TDM với 13 điểm ngập. TX.Dĩ An và huyện Bến Cát có cùng số điểm ngập là 9. Cũng theo thống kê, số điểm ngập được khắc phục còn quá ít so với số hiện hữu. Trong khi đó, tiến độ thực hiện các dự án chống ngập trên địa bàn huyện, thị vẫn giậm chân tại chỗ. Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết hiện toàn tỉnh có trên 60 điểm ngập, trong khi đó các công trình chống ngập úng, thoát nước hiện nay tiến độ hết sức chậm. “Các công trình này thuộc các huyện, thị làm chủ đầu tư nên đề nghị các địa phương xem lại khó chỗ nào, vướng chỗ nào để tập trung giải quyết. Việc này cần phải làm hết sức vì đây là vấn đề bức xúc, vấn đề an sinh xã hội...”- ông Nam nói.
Trong các điểm ngập úng thường xảy ra khiến người dân bức xúc nhất là tuyến đường 30-4, Thích Quảng Đức (TX.TDM) và đường 22-12 (TX.Thuận An). Tại những nơi này, mỗi khi mưa lớn thường gây ngập từ 40 - 70cm khiến người dân sống hai bên đường và xe cộ lưu thông rất khổ sở. Gần đây, trên đường Hồ Văn Cống (khu vực Bệnh viện Á Châu đến Bệnh viện Vạn Phúc) xuất hiện một điểm ngập mới kéo dài cả trăm mét với mức ngập tương đương các điểm nói trên.
Tình hình ngập nước ở các địa phương ngày càng trầm trọng. Song đến nay, việc khắc phục tình trạng này vẫn chưa được quan tâm thực hiện rốt ráo. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết sở đã họp bàn với các địa phương yêu cầu thống kê các điểm ngập úng, từ đó đề xuất phương án cải tạo chống ngập, thoát nước để Sở Xây dựng tham mưu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án nào được đề xuất từ các huyện, thị.
Năm nay, dự báo tình hình mưa lũ sẽ diễn biến phức tạp vào tháng 8 và 9. Từ nay đến lúc đó, liệu các biện pháp chống ngập có kịp triển khai thực hiện nhằm giảm tình trạng “hễ mưa là ngập” như lâu nay? Câu trả lời đang nằm ở các huyện, thị cũng như các ngành có liên quan. Trong cuộc họp triển khai phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2011 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, một lần nữa nhắc lại tình hình chống ngập. Tỉnh đã có thông báo, có chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các huyện, thị cũng như tạo mọi điều kiện để khảo sát, lập dự án và đầu tư khắc phục tình trạng úng ngập trong khu vực đô thị, trên các tuyến đường quan trọng. Năm nay nếu để xảy ra ngập lụt ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân thì Chủ tịch UBND các huyện, thị phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì các địa phương chưa có đề xuất nào thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Nhiệm vụ này là của huyện, thị, các địa phương thỏa thuận, thống nhất với Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện, thị phải tập trung giải quyết vấn đề này với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
TRÍ DŨNG