Văn hóa không phải là tranh giành và biện minh cho… cái ác!

Thứ hai, ngày 16/03/2015

Tháng giêng được coi là “tháng ăn chơi” với rất nhiều lễ hội. Văn hóa lễ hội là nét đẹp bao đời nay nhưng nhiều người đã làm cho nó biến tướng. Xin được nói đến hai chuyện là con người ứng xử với nhau và con người… hành xử với con vật!

Văn hóa Việt gắn với văn minh lúa nước. Nhiều lễ hội được đặt ra để cầu mưa thuận, gió hòa, an cư, lạc nghiệp… Thế nhưng, những nét đẹp đó dần dần bị mai một. Không còn gì giá trị văn hóa (nếu không muốn nói là xấu hổ) khi người ta nghe đến hai chữ “may mắn” là tranh giành, giẫm đạp lên nhau bất chấp an nguy của người xung quanh. Thật không còn cảnh nào xấu hổ hơn, thiếu văn hóa hơn là ai đó rút dao vung loạn xạ để giành phết, giành ấn… Trong một phút chốc, lời dạy của ông cha mình về nhường nhịn, về yêu thương nhau đã bị quên mất! Người ta hành xử với nhau một cách giang hồ, thiếu văn minh trật tự. Có người lại “ăn theo” lễ hội để chặt chém du khách đi lễ chùa đầu năm để đổi tiền lẻ hay nâng giá cao so với quy định hàng ngày. Những ai là người Việt, luôn muốn bảo tồn văn hóa Việt sẽ rất bức xúc trước cảnh này.

Cuộc sống sẽ hài hòa, hiền lành biết mấy khi một sinh linh nào cũng được yêu thương, khi một con vật nào cũng được “đối xử” nhân từ hơn một chút. Thế mà ngày đầu xuân, ngay giữa sân đình, giữa nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng lại diễn ra cảnh đâm trâu, chặt heo… thật dã man. Mạng sống của con vật được đem ra làm trò vui cho bao người hò hét xung quanh khi nó phải giãy giụa trong đau đớn. Cách làm mà nhiều người cho là “văn hóa” lại bị tổ chức bảo vệ động vật lên án, chỉ trích gay gắt.

Tự hào hay xấu hổ, hai từ tưởng như trái nghĩa hoàn toàn, cách xa nhau lắm mà quá ư gần nhau. Như là cách… trở bàn tay vậy nếu chúng ta làm việc gì đó văn hóa hay phi văn hóa! Đừng mang danh tự hào về lễ hội truyền thống của cha ông mà làm biến tướng, mà trục lợi cho cá nhân. Cũng đừng mang danh văn hóa lễ hội mà hành xử quá ác độc với con vật, gây phản cảm như thế nữa.

 QUỲNH NHƯ