Văn hóa nghệ thuật Nga trong trái tim người Bình Dương

Cập nhật: 07-11-2017 | 09:59:31

Từ khi thiết lập mối quan hệ hữu nghị Việt - Nga, tình nghĩa của nhân dân 2 nước luôn khắng khít, đoàn kết, gắn bó vì sự phát triển của 2 dân tộc. Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, cùng điểm lại những bài ca của Nga mà người Việt Nam đã rất quen thuộc, cũng như những tình cảm đặc biệt của người Bình Dương đối với nền văn hóa nghệ thuật của xứ sở Bạch Dương.


Dàn hợp xướng Dân gian Hàn lâm Quốc gia Nga mang tên M.E.Pyatnitski trong chương trình biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam” năm 2013

Có dịp trò chuyện với bà Nguyễn Việt Nhân, Chủ nhiệm CLB thơ ca Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, chúng tôi đã hiểu rõ thêm về những tình cảm sâu đậm của nhân dân 2 nước Việt- Nga. Bà Việt Nhân kể: “Năm 2013, bà có dịp xem chương trình biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam”, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Bình Dương. Trong trang phục truyền thống sang trọng, họ tung tăng nhảy múa, hát ca rất vui tươi và sôi nổi khiến cả hội trường ai nấy đều hân hoan vui mừng. Càng vui mừng hơn khi bà được biết, đây là chương trình hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giai đoạn 2013-2015 giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Văn hóa Liên bang Nga phối hợp tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương”. Còn với bà Bùi Thị Đoan Thương (hội viên CLB Hưu trí tỉnh), rất ấn tượng với những điệu múa nổi tiếng của Nga như: Casimop, Xaratop, Kadrin vùng Vologda, Kadrin vùng Kalinin, Prilionxacaia… Riêng điệu nhảy luân vũ của các cựu sĩ quan là vui nhất. Họ vừa nhảy với nhịp đập chân, vừa co chân, vừa huýt sáo truyền cho người xem một niềm lạc quan khi hồi tưởng về Cách mạng Tháng Mười thành công.

Mới đây, trong liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng năm 2017 do Ban Thường vụ Công đoàn viên chức và Ban Thường vụ Đoàn khối Các cơ quan tỉnh phối hợp tổ chức, đơn vị Cụm 4 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sở Công thương, Thanh tra tỉnh, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, trường Chính trị tỉnh) xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn. Trong chương trình, đơn vị đã khéo léo kể lại những ký ức đẹp, những mong muốn của anh lính bộ đội giữa đường hành quân đi đánh Biên Hòa muốn nghe khúc hát tình Kachiusa trong bài hát “Ký ức Kachiusa”. Chị Trần Thanh Loan, biên tập viên chương trình Măng non Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương cho biết, tôi rất yêu thích hình ảnh những cô gái Nga, vì thế tôi đã pha trộn một phần bài “Ký ức Kachiusa” với bài “Tình khúc Kachiusa” cùng với một số vũ điệu truyền thống của xứ sở Bạch Dương để làm nổi bật lên tình cảm của quân nhân Việt Nam với các cô gái Nga.

Khi nhắc đến kỷ niệm tình yêu của nhiều chàng trai, cô gái, thì nhiều thế hệ người Việt Nam không thể không nhắc đến bài hát “Triệu đóa hồng”. Đây là một bài hát rất quen thuộc, gắn liền với tuổi trẻ, có sức sống bền bỉ và nổi tiếng ở nhiều nước và còn được gọi là “biểu tượng của tình ca”. “ Một chuyện tình yêu anh họa sĩ/ Gởi trong tranh vẽ những vui buồn/ Lòng anh thầm yêu nàng ca sĩ/ Cô gái rất yêu bông hoa hồng…”. Và trong những ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga lịch sử này, những ca khúc như: Thời thanh niên sôi nổi, Đôi bờ, Chiều Matxcơva… được nhiều văn nghệ sĩ khắp nơi thể hiện như một yêu mến nghệ thuật, một sự tri ân với những sự ủng hộ chí tình của nhân dân Liên Xô về kinh phí, vật chất và những hỗ trợ quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=801
Quay lên trên