Văn hóa ứng xử học đường: Góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc

Cập nhật: 24-05-2011 | 00:00:00

Hiện nay, văn hóa ứng xử (VHƯX) của học sinh đang ngày càng báo động. Hàng loạt khái niệm phản văn hóa trong học đường đang hình thành và tồn tại gây ra tình trạng bạo lực học đường. Chương trình tọa đàm VHƯX học đường do Trung ương Đoàn tổ chức giúp cho học sinh (HS) nhận thức đúng đắn về các giá trị sống, giá trị của bản thân để từ đó thay đổi thái độ, hành vi ứng xử.

  Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê và các diễn giả đang chia sẻ với các em học sinh trường THPT An Mỹ (phường Phú Mỹ)

Nguyên nhân làm cho tình trạng VHƯX của học sinh đang dần mất đi truyền thống tốt đẹp của dân tộc có một phần liên quan đến nền giáo dục thiếu căn bản. Trong khi đó, ảnh hưởng của nền văn hóa lai căng khiến các em nhanh chóng bị nhiễm những thói hư tật xấu không đáng có. Gia đình thì muốn con em mình trang bị thật nhiều kiến thức, nhưng cái chính mà họ quên đi đó là việc dạy dỗ cách làm người, biết tôn sư trọng đạo và kính trên nhường dưới.

Trước tình trạng này, Trung ương Đoàn phối hợp cùng Hội quán các bà mẹ và Tập đoàn Công ty Thái Tuấn đã tổ chức chương trình tọa đàm VHƯX học đường tại trường THPT An Mỹ (phường Phú Mỹ, TX.TDM) đã góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi ứng xử văn hóa của HS. Từ những câu chuyện xa xưa của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê về cô gái trong vở kịch “Tục lụy” đến ký ức của thầy về tuổi học trò trong câu chuyện “Lọ chảo đại dương và cận thị đại dương” đã khơi gợi biết bao niềm cảm xúc về tình bạn, nghĩa thầy.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê, VHƯX học đường thời nay cần giúp các em hướng về cội nguồn dân tộc. Nhà trường và gia đình nên phối hợp để có phương pháp giáo dục đúng hướng trong cách ứng xử văn hóa, ăn mặc cũng như hành vi của mình đối với người lớn. Tuy nhiên, để thay đổi thái độ ứng xử văn hóa học đường là cả một quá trình, đòi hỏi gia đình, thầy cô phải có trách nhiệm giáo dục, ươm mầm cho các em trở thành những người tốt, có ích cho xã hội. Giáo sư trăn trở nên hay không đưa ý tưởng âm nhạc truyền thống vào nhà trường để nuôi dưỡng tâm hồn HS, bởi khi cảm thụ được âm nhạc với lời ca, khúc nhạc trầm bổng, các em sẽ cảm nhận và có lối sống văn hóa lành mạnh hơn.

Cùng với quá trình giáo dục VHƯX cho HS, thầy cô phải thể hiện lối sống đúng mực cho các em noi theo. Nhà văn, nhà báo Thúy Ái đặt vấn đề: “Nếu các em HS không được thầy cô tôn trọng thì các em sẽ ra sao?”. Sự tôn trọng bao giờ cũng tồn tại ở hai phía thì mối quan hệ mới vững bền. Thầy cô thiếu tôn trọng HS là thiếu phương pháp sư phạm và khi ấy hiệu quả của quá trình dạy học sẽ đi ngược lại với những mong muốn của người thầy - Nhà báo Thúy Ái cho biết.

Một thực trạng cũng khá phổ biến trong HS hiện nay là hiện tượng nhầm lẫn giới tính, bắt chước theo thần tượng trong phim ảnh nên một số bạn nam có xu hướng thích trang phục màu mè, bận đồ bó sát và đôi khi đeo cả khăn choàng có đính kim tuyến... Các bạn nữ lại đua nhau thể hiện cá tính bằng lời ăn tiếng nói không mấy thân thiện, sẵn sàng tham gia đánh nhau, giải quyết mối quan hệ bằng bạo lực.

Để giúp các em có cái nhìn đúng về giới tính của mình, không nhầm lẫn giữa cá tính và nam tính, việc giúp các em hướng về truyền thống dân tộc là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X