(BDO) Ngày 28-8, tại Khu du lịch Phương Nam, Thuận An, Học viện Phật giáo Việt Nam, phối hợp với Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đến dự có GS Hoàng Như Mai, HT Thích Trí Quảng, HT Thích Giác Toàn, GS Trần Hữu Tá, GS Nguyễn Huệ Chi và gần 300 nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, văn học Việt Nam và lịch sử Việt Nam trong đạo và ngoài đời tham dự.
Hội thảo nhấn mạnh 2 vấn đề lớn của lịch sử thủ đô Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung là “Phật giáo và 1000 năm Thăng Long Hà Nội” và “Văn học và 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.
Các bài viết về vai trò dựng nước và phát triển đất nước từ móc dời đô lịch sử, các tác giả đã phác họa bức tranh về chính sách nội trị của nhà Tiền Lê, vai trò dựng nước của Chiếu dời đô, chiến lược giữ nước của vua Lý Thái Tổ, vai trò của các vị Tăng quan, đóng góp to lớn của các thiền sư nổi tiếng như thiền sư Vạn Hạnh và Khuông Việt trong xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Qua đó, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng Phật giáo là sức mạnh tinh thần thời Đại Việt, nhờ vào sự đồng hành của Phật giáo với dân tộc và vai trò văn hóa và đạo đức Phật giáo đối với đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt.
Các đề tài nghiên cứu về văn học và Thăng Long, gắn liền với 3 giai đoạn văn học là văn học Lý Trần, văn học cổ điển sau đời Trần và văn học hiện đại với đa dạng, phong phú, từ các chủ đề thiền, cảm hứng thiền, sự đốn ngộ, giải thoát cho đến những câu chuyện văn chương của các thiền sư.
Những bài nghiên cứu về văn học cổ điển sau đời Trần đề cập đến hình ảnh Thăng Long trong thơ Nguyễn Du và thơ xưa, các bài văn tế thời trung đại và các tác phẩm văn học nổi tiếng như Tụng Tây Hồ phú, Quốc âm thi tập, Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục và Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Mảng văn học hiện đại được xem là có nhiều bài tham luận nhất, xoay quanh nội dung Thăng Long trong văn xuôi, văn học hiện đại và văn học yêu nước, các bài nghiên cứu về các nhà văn nổi tiếng có liên hệ đến Thăng Long hoặc viết về Thăng Long như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiên, Phạm Minh Kiên…
Tại hội thảo TT Thích Huệ Thông – Phó Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đã có bài viết tham luận về “Vai trò của Phật giáo đối với việc thành lập, phát triển kinh đô Thăng Long và nước Đại Việt thời Lý Trần và những thời đại về sau”. Đây là bài viết nằm trong số 75 bài được tuyển chọn xuất bản trong tập sách mang tên “Văn học, phật giáo với 1.000 năm Thăng long – Hà Nội.
Những vấn đề lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế và tôn giáo của Thăng Long – Hà Nội trong một thiên niên kỷ qua được đúc rút tại hội thảo sẽ có giá trị tham khảo cho việc phát triển đất nước trong giai đoạn toàn cầu hóa; là một trong những hoạt động học thuật quan trọng, hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, diễn ra vào tháng 10-2010 tại thủ đô Hà Nội.
NGỌC TRINH