Vẫn nóng câu chuyện kinh doanh xăng dầu

Cập nhật: 04-04-2011 | 00:00:00

Tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 3 của Bộ Công Thương diễn ra sáng 4/4, các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối, các địa phương đã nêu ra hàng loạt khó khăn trong kinh doanh và quản lý kinh doanh xăng dầu.

Găm hàng và buôn lậu

Bà Trần Thị Hường – Giám đốc Sở Công thương Bà Rịa – Vũng Tàu phản ánh: “Trong thời gian điều chỉnh giá xăng dầu có một số cửa hàng đóng cửa. Lượng xăng dầu cung ứng bị giảm tới 70% và rất chập chờn”.

Theo phản ánh của Phó Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang Lâm Thanh Hùng, tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Ngành chức năng địa phương đã tìm nhiều biện pháp khống chế tình trạng này. Theo đó, “Đối với 8 trạm xăng dầu dọc tuyến biên giới, chúng tôi phải cân đối lượng xăng dầu cung cấp cho địa phương là bao nhiêu. Bên cạnh đó, chúng tôi qui định thời gian mua xăng dầu từ 6h-18h, hạn chế bán ngoài giờ. Tuy vậy vừa qua, trước khi có quyết định tăng giá, một số đơn vị cấp 2 cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ mà không có chiết khấu. Khi có biến động thì các đơn vị cấp 3 giảm khấu hao, bán hàng là lỗ do không được chiết khấu chi phí vận chuyển. Chính vì vậy, khi kiểm tra trong kho còn nhưng hóa đơn cấp lại gần hết. Kiểm tra hoá đơn xuất thì có địa chỉ rõ ràng nên rất khó phát hiện găm hàng” – ông Hùng cho biết.

Để khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu giả tạo như vừa qua, ông Lâm Thanh Hùng cho rằng, chính sách điều hành giá xăng dầu cần mềm dẻo, linh hoạt, thời gian biến động không kéo dài. Thực tế, thị trường xăng dầu chỉ có nhiều biến động khi gần tăng giá. Nếu kéo dài thời gian sẽ gây khó khăn cho địa phương vì doanh nghiệp bán cầm chừng gây biến động thị trường. “Phải coi chuyện giá xăng lên xuống là bình thường trong thị trường. Nếu với cách điều hành như thời gian qua, các đơn vị cấp 2 và 3 lợi dụng kiếm lời mà người tiêu dùng lại thiệt thòi” – ông Hùng nói.

Còn bà Trần Thị Hường thì kiến nghị Bộ Công thương cần chỉ đạo các đầu mối nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm tối đa nhu cầu để tránh bất ổn, gây khó khăn cho thị trường.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Qua 2 đợt điều chỉnh, cơ bản giá bán đã bám sát giá cơ sở. Các doanh nghiệp đầu mối không còn bị lỗ hoặc lãi ít. Tuy nhiên, chênh lệch giá bán xăng dầu trong nước ở một số tỉnh biên giới vẫn thấp hơn từ 2.000-3.000 đồng/lít nên tình trạng buôn lậu vẫn xảy ra.

Doanh nghiệp đầu mối vẫn lỗ to

Ông Vũ Quang Nam – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) cho biết: “Đến hết 31/3, PV Oil kinh doanh được 1,3 triệu m3 xăng dầu, Ptech được 402.000 m3. Đến hết quý I, kinh doanh xăng dầu của PVN lỗ 780 tỷ đồng. Hiện nay, PVN cố gắng sản xuất đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường. Dự kiến trong tháng 4, PVN sản xuất 450.000 m3 các loại sản phẩm xăng dầu”.

Cũng bày tỏ tình cảnh “lỗ to” trong kinh doanh xăng dầu, bà Đàm Thị Huyền  - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết: “Quý I, Petrolimex đã gia tăng thị phần so với bình thường khoảng 20%. Với sản lượng tăng cao như vậy cũng đã để lại hậu quả rất lớn. Sau 31/3, ước tính nhanh Petrolimex lỗ 2.650 tỷ đồng, nếu áp dụng theo tỷ giá ngày 11/2 thì phát sinh khoảng 1.854 tỷ đồng. Toàn bộ chênh lệch tỷ giá và phần vay ngoại tệ nằm ở Petrolimex. Các doanh nghiệp khác cũng nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu nhưng mức chênh ít hơn (Ví dụ PV Oil chênh dưới 60 triệu USD). Nghĩa là tỷ trọng vay của Petrolimex lên đến hơn 1 tỷ USD – đây là gánh nặng rất lớn với PV Oil trong khoảng thời gian đầu tư tiếp theo”.

Cũng theo bà Đàm Thị Huyền, Petrolimex đang “vướng” ở dư vay ngoại tệ. Đến thời điểm hiện nay, khoản vay này là 1,061 tỷ USD. “Nếu không có giải pháp căn cơ để xử lý thì chúng tôi đang bị “mắc” rất nhiều. Với chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ giá liên ngân hàng mỗi ngày tăng, giảm 5-10 điểm, mỗi lần như vậy chúng tôi lại mất 5-10 tỷ đồng/ngày mà không thể tính toán vào đâu. Bởi trong giá cơ sở mới thì chỉ kết cấu tỷ giá mới chứ không có thêm bất kỳ khoản nào được cộng vào để bù cho biến động đã qua của tỷ giá trong phần đã vay” – bà Huyền nói.

Việc dư vay ngoại tệ của Petrolimex chỉ xuất hiện từ tháng 10/2010 (1,061 tỷ USD là tích luỹ của quá trình nhập khẩu xăng dầu). Đến hết quí IV, Petrolimex vẫn được vay theo tiến độ ổn định và dư vay bình quân trong khoảng 380-400 triệu USD. “Đề nghị có chính sách để hiện thực hoá câu chuyện khoanh ngoại tệ này theo tỷ giá cố định nào đó để doanh nghiệp yên tâm về những khoản dư vay này” – bà Huyền nói.

Bên cạnh đó, bà Huyền cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong quí I/2011 bị âm 703 tỷ đồng. “Cần có hỗ trợ đặc biệt từ chính sách để bù đắp cho hai khoản này chứ không phải chỉ đơn giản là áp dụng cơ chế thị trường” – bà Huyền đề nghị.

Giải đáp phần nào những khúc mắc mà đại diện Petrolimex đưa ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Thủ tướng đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính – Công thương và yêu cầu phải đảm bảo đủ ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để đứt đoạn. Về quỹ bình ổn giá, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho DN đầu mối”.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=244
Quay lên trên