Chiếc nhẫn này được làm từ vàng pha bột
Đơn cử như một DN tại Hà Nội thiệt hại 12.000 USD khi mua phải vàng nguyên liệu mà trong đó tỷ lệ bột “lạ” chiếm đến 49%. Một DN khác tại TP.HCM mua nhầm khoảng 10 lượng vàng nguyên liệu có pha những chất lạ. Mỗi lượng vàng này, DN mất khoảng 4 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM cho biết, gần đây một số DNKDV ở miền Tây và TP.HCM đã mua phải vàng nguyên liệu nói là 4 số 9 nhưng thực chất có pha thêm các chất khác vào. Các DN mất từ 10 - 20% giá trị (tương đương 3,7 - 7,4 triệu đồng/lượng) khi mua nhầm phải thứ nguyên liệu dỏm này.
Trong tuần qua Phòng Phân tích hóa học thuộc Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ VN), Trung tâm Ngọc học và giám định vàng bạc đá quý (VBĐQ) DOJI LAB của Tập đoàn VBĐQ DOJI, Viện Khoa học vật liệu đã tiến hành kiểm định 3 mẫu vàng có tạp chất lạ trên địa bàn TP Hà Nội. Kết quả phát hiện 3 tạp chất này gồm Iridi (Ir), Osmi (Os), Ruteni (Ru) (gọi chung là nhóm bột). Trước đó, giữa tháng 5, Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM đã thông tin kết quả kiểm định do Phòng Kỹ thuật D.C của Công ty công nghiệp kỹ thuật D.C thực hiện trên các mẫu vàng thu trên thị trường miền Tây và TP.HCM. Theo đó, vàng mà mọi người gọi là giả có pha một số kim loại thuộc nhóm Ptatin gồm Ir, Os, Ru, Rh (Rodi).
Ông Dưng cho biết những chất này không hòa tan trong vàng nên không làm vàng đổi màu, thường phát tán trong vàng dưới dạng các hạt nhỏ không tan, qua mặt được máy móc. Các chất này được pha với tỷ trọng tương đương hoặc lớn hơn vàng nên không thể đo bằng phương pháp tuổi tỷ trọng. Các máy phổ quang thông thường cũng không tách được phổ của các kim loại trên. Kết quả của D.C và các đơn vị phía Bắc cho ra các chất trong vàng tương đối giống nhau. Những chất này cũng giống với chất từ kết quả kiểm định vàng giả trên thị trường Hồng Kông cách đây vài tháng. Ông Dưng cho rằng không loại trừ vàng giả từ Hồng Kông đã xuất hiện ở nước ta.
Thông tin từ Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu (BTMC) đưa ra cuối tuần qua thì chất tìm ra trong vàng là vonfram. Ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc BTMC cho biết tỷ trọng của vonfram tương đồng với vàng nên đạt được các yếu tố kỹ thuật để có thể qua mặt được các máy kiểm tra. Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn DOJI cho biết trước đây, volfram là nỗi ám ảnh của giới kinh doanh vàng trên thế giới. Kẻ gian dùng volfram làm lõi rồi phủ vàng bên ngoài (giới kinh doanh vàng gọi là vàng hai da - PV). Nếu dùng vonfram trộn vào vàng thì rất khó. DOJI đã thử dùng 20% vonfram trộn vào vàng thì thấy vàng sẽ chuyển sang màu đen.
Móc túi vài triệu đồng/lượng
Ông Đỗ Minh Phú cho biết giá của Ir trên thị trường hiện khoảng 1.050 USD/ounce, Os khoảng 360 USD/ounce, Ru khoảng 165 USD/ounce. Nếu pha mỗi chất trên với tỷ lệ 1/3 thì giá trung bình khoảng 525 USD/ounce, tương đương 11,5 triệu đồng/lượng, chiếm 1/3 giá vàng. Tùy theo tỷ lệ của loại bột này sẽ gây thiệt hại cho người mua nhiều hay ít.
Còn đối với vonfram, ông Vũ Minh Châu cho biết giá vonfram cuối tuần qua tại Hà Nội khoảng 4,2 triệu đồng/kg nên một lượng khoảng 158.000 đồng. Theo ông Châu, kẻ gian thường độn vonfram với tỷ trọng phổ biến khoảng 10% khối lượng nên người mua mất khoảng 3,7 triệu đồng/lượng. Sau thông tin “xóa kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do”, thông tin vàng nguyên liệu giả đã tác động khá mạnh đến thị trường vàng trong nước. Doanh số kinh doanh của BTMC đã giảm 50 - 60%, riêng một số đơn vị khác đã phải đóng cửa.
Ông Nguyễn Văn Dưng cho rằng: “Các thiệt hại trên mới chỉ dừng lại ở đơn vị sản xuất chứ sản phẩm chưa ra thị trường đến tay người tiêu dùng. Bởi khi đưa nguyên liệu này vào sản xuất sản phẩm nữ trang, các sản phẩm làm ra sẽ bị rỗ, bề mặt không được láng bóng. Chính vì vậy các tiệm vàng sẽ không nhận những sản phẩm này”. Người tiêu dùng có thể nhận biết nữ trang làm từ vàng pha bột dựa theo đặc điểm là sản phẩm không được bóng láng, có rỗ trên bề mặt.
Theo TNO