Vang mãi âm hưởng “Thành đồng Tổ quốc”

Cập nhật: 21-09-2015 | 08:16:55

 LTS: Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9- 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thế nhưng, chỉ sau 21 ngày, khi niềm vui chưa được bao lâu thì tại Sài Gòn, thực dân Pháp lại nổ súng xâm chiếm nước ta một lần nữa. Không nhường bước trước dã tâm xâm lược của kẻ thù, quân dân Nam bộ đã nhất tề đứng dậy, làm nên một tinh thần Nam bộ kháng chiến bất diệt. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23.9.1945 - 23.9.2015), Báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết nhân sự kiện trọng đại này.

 

Bài 1: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”

 “Thành đồng Tổ quốc” là danh hiệu bất tử mà Bác Hồ đã trao tặng cho quân và dân Nam bộ với sứ mệnh thiêng liêng, hào hùng, chống lại âm mưu của thực dân Pháp khi quay lại xâm chiếm nước ta. Tinh thần ấy đã luôn trở thành kim chỉ nam, soi sáng đường cho lớp lớp thế hệ hôm qua trong kháng chiến chống ngoại xâm và thế hệ hôm nay trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 70 năm trước, toàn Nam bộ “Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền”. Ảnh: TƯ LIỆU

 Cách mạng Tháng Tám thành công, những tưởng cả dân tộc ta sẽ được sống trong hòa bình, độc lập. Thế nhưng chính quyền non trẻ mà chúng ta vừa mới giành được đứng trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp dưới danh nghĩa quân Anh vào Nam bộ tước vũ khí quân Nhật, âm mưu xâm lược nước ta lần thứ hai. Khoảng 6.000 quân Pháp với sự yểm trợ của 1 vạn quân Anh bắt đầu gây hấn ở Nam bộ để biến miền Nam thành bàn đạp đánh chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.

Dù rất yêu chuộng hòa bình nhưng trước sự hống hách của quân Pháp, nhân dân Nam bộ không có con đường nào khác là phải tiến hành một cuộc kháng chiến để giữ vững nền độc lập của dân tộc. Sáng ngày 23-9, Xứ ủy Nam bộ họp hội nghị mở rộng khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn) có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự. Hội nghị đã phân tích âm mưu gây chiến của thực dân Pháp là nhằm mục đích cướp nước ta một lần nữa và chủ trương phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Ủy ban kháng chiến các cấp được thành lập, ra lệnh tổng đình công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong tỏa địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược để bảo vệ thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám.

Chiều ngày 23-9, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Tất cảcác công sở, xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Bàn ghế, giường tủ được khuân ra đường phố dựng thành các ụ chiến đấu. Cuộc chiến đấu ngoan cường, anh dũng của nhân dân Sài Gòn Chợ Lớn làm cho quân Anh, Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn, hoảng sợ. Chúng phải cầm cự trong một thành phố không điện, không nước, không tiếp tế vàbị quân dân ta bao vây, cô lập hoàn toàn. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn chấn động cả nước, tất cả đều sẵn sàng lao vào cuộc chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Với tinh thần chiến đấu quả cảm “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Nam bộ đã nhanh chóng tiêu diệt địch. Cuộc chiến càng trở nên cam go quyết liệt, quân giặc hoang mang lo sợ vì bị giam chân tại chỗ 1 tháng trời, không thể tiến hành âm mưu bình định Nam bộ trong 3 tuần theo dự tính. Trong khi đó, thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ hăng hái tham gia phong trào Nam tiến. Ai ai cũng tình nguyện lên đường chiến đấu cứu nước theo lời Bác gọi. Cuộc chiến lan rộng tới các tỉnh đồng bằng Nam bộ, miền Trung Nam bộ, làm cho giặc Pháp và đồng minh trởtay không kịp, dẫn đến bị diệt và tiêu hao nhiều sinh lực.

Cùng với những sự đóng góp về vật chất cụ thể, thì các phương tiện truyền thông cùng lực lượng văn nghệ sĩ cũng vào cuộc để thông tin tuyên truyền và kêu gọi sự ủng hộ của toàn quân và dân trên cả nước ủng hộ cho cuộc kháng chiến Nam bộ... Thực tiễn cuộc chiến ngày càng phức tạp nhưng quân và dân miền Nam vẫn duy trì bền bỉ, ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Cũng thời điểm này, ngày 25-10-1945, các đồng chí Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh và Lê Duẩn vừa thoát khỏi ngục tùCôn Đảo cũng tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến, tạo nên khí thế ngày một dâng cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của cảdân tộc trong việc chi viện lương thực, thuốc men, quần áo, vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã họp chủ trương đánh mạnh quân Pháp ở Nam bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở ngoài Bắc. Đảng, Chính phủ và Mặt trận Việt Minh phát động trong cả nước phong trào “Vì miền Nam anh dũng” để ủng hộ cuộc kháng chiến ở miền Nam. Hầu hết các tỉnh ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ đều thành lập đoàn quân “Nam tiến” gửi vào Nam tham gia giết giặc, trừ gian. Đáp lại lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, hàng ngàn thanh niên miền Bắc đã nô nức lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để “chia lửa” với nhân dân miền Nam anh hùng.

Trong thư gửi cho đồng bào Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương tấm gương chiến đấu quả cảm của quân dân Nam bộ anh hùng, nêu rõ quyết tâm: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”. Bác khẳng định: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”. Niềm tin mãnh liệt của Bác trở thành lời hiệu triệu thôi thúc đồng bào miền Nam xông lên đánh giặc làm bạt vía quân thù. Lòng yêu nước, sự mưu trí, dũng cảm của nhân dân Nam bộ đã góp phần tô thắm thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Để tôn vinh những chiến công vang dội của quân dân miền Nam, tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng đồng bào, chiến sĩ miền Nam danh hiệu bất tử “Thành đồng Tổquốc”. Quân và dân Nam bộ xứng đáng với hình tượng ấy, suốt 30 năm chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” lại được vang lên, trong niềm vui đại thắng của một dân tộc ngoan cường. Đây cũng là một biểu tượng kiên cường của Tổ quốc, một hình ảnh bất tử cho cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, hội viên Hội Khoa học lịch sử tỉnh nhận định: “Nam bộ kháng chiến” đã để lại cho Đảng ta những kinh nghiệm quý báu trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo chiến tranh cách mạng như về xây dựng và lãnh đạo lực lượng vũ trang, về cách tiến hành chiến tranh du kích và xây dựng cơ sở chính trị vùng sau lưng địch… Tinh thần dũng cảm chiến đấu, khí phách hiên ngang của quân và dân Nam bộ đã làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; tạo điều kiện cho ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị những tiền đề vật chất, tinh thần cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Vì vậy, trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là phải làm cho non sông Việt Nam ngày càng giàu đẹp, hùng cường. Chúng ta cần phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, phấn đấu học tập, xây dựng cho mình lối sống có văn hóa, giàu lòng nhân ái, yêu lao động, biết kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biết sống vì mọi người, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện của lối sống thực dụng, buông thả, bất chấp kỷ cương phép nước; tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo từng chủ đề hàng năm để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

70 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng của bài ca “Nam bộ kháng chiến” vẫn còn vang vọng mãi: Mùa Thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền/Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước… (còn tiếp)

 KIM HÀ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2275
Quay lên trên