Vang mãi âm hưởng “Thành đồng Tổ quốc”- Bài 2

Cập nhật: 22-09-2015 | 07:38:35

Bài 2: Đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến

Đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, “Tiếng kêu sơn hà nguy biến”, quân và dân tỉnh Thủ Dầu Một với khí thế oai hùng “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” đã nhất tề đứng lên, chuẩn bị mọi mặt tiến hành cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta.

Trước nguy biến của sơn hà, nhân dân Nam bộ đã nhất tề nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh: T.L

 Chuẩn bị mọi mặt kháng chiến

Trước thời điểm Nam bộ kháng chiến (ngày 23-9-1945), Ban Tiếp tế của tỉnh Thủ Dầu Một tổ chức nhiều đoàn ghe đi miền Trung, miền Tây Nam bộ trở về cập bến ởAn Sơn luôn đầy ắp lương thực, thực phẩm (gạo, muối, trứng vịt, củ cải muối…).

Tất cả đều tạm đưa vào kho bảo quản, một phần lần lượt chuyển qua mặt trận cầu Bến Phân vàmột phần cung cấp cho các lực lượng trong tỉnh. An Sơn trở thành chiến khu đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một. Đồng bào An Sơn đã làm hết sức mình để phục vụ các cơ quan, đơn vị chiến đấu tạm dừng chân tại đây.

Các lò đường ngưng hoạt động, các chảo nấu đường được dùng để nấu cơm nuôi bộ đội. Các bà, các chị, các mẹ tích cực vận động đồng bào trong các ấp ủng hộ về vật chất, lương thực.

Điển hình có má Đặng Thị Phi ngày ngày đi vào các xóm vận động bà con ủng hộ đầy gạo, khô mắm, đồ hàng bông cho cách mạng.

Hơn thế nữa, nhà nhà còn tự nguyện thực hiện cách nuôi quân đặc biệt: Tại cửa ngõ mỗi nhà đều để sẵn nhiều vắt cơm, nhiều gói muối tiêu, khạp nước cùng với tô, gáo. Bộ đội, nhân viên kháng chiến đi ngang qua, cứ lấy dùng tự nhiên, không phải hỏi chủ nhà…!

Trong những ngày sôi sục chuẩn bị trực tiếp chiến đấu và phục vụ cho tuyến trước, “Tuần lễ vàng” được tổ chức rầm rộ tại thị xã Thủ Dầu Một trên lầu công sở Phú Cường.

Đồng bào tấp nập lên lầu cởi dây chuyền, tháo nhẫn, lột bông tai quyên góp ủng hộ vào quỹ kháng chiến. Cóngười hiến tặng cả neo, vòng vàng, mỗi món từ 3 - 4 chỉ, có người ủng hộ cả nhẫn cưới của mình.

Ở tầng trệt của công sở Phú Cường, cán bộ ta tiếp nhận hàng tấn bánh từ các địa phương trong tỉnh được nhân dân đưa đến bằng xe ngựa, xe bò.

Số bánh trên nhanh chóng được chuyển tiếp tế cho anh em bộ đội đang chiến đấu ở mặt trận cầu Bến Phân. Phong trào quyên góp đồ đồng thau để xưởng quân giới làm vũ khícũng được đông đảo đồng bào hưởng ứng.

Nhà nào cũng mang đến địa điểm tiếp nhận hiến tặng rất nhiều các bộ lư, mâm đồng, mâm thau, nồi đồng. Phong trào quyên góp đã thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tin son sắt của nhân dân ta đối với Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ ChíMinh.

Thực hiện Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương, Đảng bộ Thủ Dầu Một tập trung giải quyết các nhiệm vụ trước mắt và cấp bách là cứu đói và xóa nạn mù chữ.

Ông Nguyễn Hậu Tài, cán bộ lão thành cách mạng, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một kể lại: Những ngày đầu tháng 9-1945, Tỉnh ủy chỉ đạo và phát động phong trào, “Người biết chữ dạy chữ cho người không biết chữ”, “Người biết nhiều dạy cho người biết ít”.

Trong thời gian ngắn, phong trào phát triển rất nhanh, các lớp học bổ túc, lớp bình dân được tổ chức từ tỉnh đến huyện, xã, thôn xóm. Với tinh thần “đi học là yêu nước”, phong trào đã lôi cuốn từ các em thiếu nhi, chị em phụ nữ, đến các cụ già, anh chị em công nhân, thợ thủ công, tiểu thương đến bà con nông dân hăng hái đi học.

Mặc dù thiếu thốn nhiều thứ từ giấy, bút cho đến bảng, phấn… nhưng nhân dân đã khắc phục, vượt khó khăn để học tập.

Sau ngày Nam bộ kháng chiến, Chi đội 1 - đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một đã được thành lập ngày 25-11-1945. Ảnh: T.L

Đi theo tiếng kêu sơn hà

Trước hành động xâm lược của thực dân Pháp vàcuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Sài Gòn – Chợ Lớn, quân dân Thủ Dầu Một đã nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 25-10- 1945, quân Pháp sửdụng 60 xe quân sựcó quân Anh dẫn đầu từ Biên Hòa theo đường Tân Ba đánh qua Thủ Dầu Một. Lực lượng tự vệ, bộ đội Phú Hòa, bộ đội Bưng Cải tổ chức chặn đánh địch tại khu vực ngã tư Sao Quỳ.

Trước khi quân Pháp tiến vào chiếm đóng nội ô tỉnh lỵ, lực lượng tựvệcủa ta chốt giữ khu vực bến đò PhúCường sang xã Bình Mỹ, Củ Chi và qua bờ tây sông Sài Gòn.

Lúc này, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh đã rút lên cầu Ông Cộ, Phú Thứ. Các đơn vị lực lượng vũtrang của tỉnh như bộ đội cảnh sát… rút sang Bình Mỹ.

Lực lượng này ban đêm bí mật bám về hoạt động. Lực lượng tự vệ các làng Phú Hòa, Định Hòa, Phú Mỹ, Tân An, Tương Bình Hiệp luôn bám chắc địa bàn tổ chức chiến đấu ngăn chặn không cho địch mở rộng vùng chiếm đóng.

Sau 4 ngày đánh chiếm được tỉnh lỵ Thủ Dầu Một, quân Pháp tổ chức cuộc càn quét. Chúng điều động 13 xe quân sự chở quân lính xuống dọc bờ sông Sài Gòn và dùng 13 súng máy bắn qua xã Bình Mỹ, nơi trú đóng của lực lượng vũ trang tỉnh.

Lợi dụng địa hình rậm rạp ven sông, các tổ bắn tỉa của ta bố trí từ xã Bình Mỹ bắn trả quyết liệt, làm cho lính Pháp hoảng hốt, bỏ cả xe chạy tìm nơi trú ẩn.

Tiếp đó, địch còn mở nhiều cuộc lùng sục với âm mưu vây bắt cán bộ ta. Không tìm ra manh mối, địch quay sang khủng bố nhân dân, chúng kéo vào các làng Định Hòa, Tân An, Tương Bình Hiệp, Phú Mỹ đốt phá nhà cửa, bắn giết châu bò và bắt người dân đem ra bắn tại ngã ba Suối Giữa, chợ Bưng Cầu.

Lúc này, tình hình chiến sự ở Nam bộ càng thêm nóng bỏng khi giặc Pháp chiếm đóng một số tỉnh quanh Sài Gòn.

Ngày 25-11-1945 tại xã An Sơn, huyện Lái Thiêu chi đội giải phóng quân tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập lấy phân hiệu là Chi đội 1. Chi đội 1 trở thành chi đội ra đời sớm nhất ở Nam bộ.

Do tình hình chiến sự đang lan rộng, Trung ương cho phép Nam bộ tiến hành bầu cử sớm cuộc tổng tuyển cử trong cả nước bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 23-12-1945, tỉnh Thủ Dầu Một đã tổ chức được những điểm bỏ phiếu ở BàLụa, Phú Văn (xã Phú Cường), ở ấp Chánh Thành (xã Chánh Hiệp).

Cuối năm 1946, xã Chánh Hiệp (nay là phường Hiệp Thành) đội vũ trang tự vệ(tức đội du kích xã) do đồng chí Huỳnh Văn Cù chỉ huy đã tổ chức cướp súng địch tại bót nhà thương binh.

Nhờ xây dựng được cơ sở nội tuyến trong bót, đội du kích Chánh Hiệp đã đột nhập vào bót địch lấy 4 súng trường, một số đồ dùng quân dụng. Khi rút lui ta đã bắn nhiều phát súng và cắt cổ gà cho máu chảy theo đường rút để nghi binh, nhằm giữ gìn cơ sở nội ứng tiếp tục ở lại hoạt động không bị địch nghi ngờ.

Sau Cách mạng Tháng Tám, trước bối cảnh sơn hà nguy biến, Đảng bộ quân và dân Thủ Dầu Một đã tiếp tục vùng lên, hòa mình trong âm hưởng chung của Nam bộ - Thành đồng Tổ quốc, anh dũng kháng chiến và giành được những thắng lợi ban đầu. Đây cũng là một nhân tố quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. (Còn tiếp)

K.HÀ

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1346
Quay lên trên