Vang mãi bản hùng ca Phước Thành - Bài 1

Cập nhật: 15-09-2016 | 09:21:47

Bài 1: Quyết tâm phá tan ý đồ của địch

Chiến thắng Phước Thành (18-9-1961) là trận đánh đầu tiên vang dội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân vùng Chiến khu Đ. Dù 55 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Phước Thành mãi như bài ca hùng tráng âm vang cùng năm tháng; mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Theo như nhận định, chiến thắng Phước Thành là phát đạn vạch đường cho cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ về mọi mặt…

Ông Trần Văn Ấn, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Phú Giáo: “…Bộ đội chủ lực của ta mới được xây dựng, vũ khí còn thiếu thốn, thô sơ, quân số của toàn lực lượng ta chỉ khoảng 2 tiểu đoàn, kể như 1 chọi 10. Tuy nhiên, quyết tâm chiến lược và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ lực lượng ta rất cao, quyết tâm tấn công cho được tỉnh lỵ Phước Thành…” Ảnh: C.SƠN

Âm mưu của địch

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi may mắn được gặp ông Trần Văn Ấn, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Phú Giáo, người mà cách nay 55 năm từng làm công tác phục vụ cho trận đánh tỉnh lỵ Phước Thành. Người Huyện đội phó năm nào nay đã 83 tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng rất quắc thước, nhớ rõ từng chi tiết, sự kiện của chiến thắng năm nào. Qua lời kể của ông, ý chí quyết chiến, quyết thắng của trận đánh Phước Thành 55 năm trước vẫn hừng hực; vẫn sáng ngời ý chí cách mạng. Ông bảo, ngay từ khi bắt đầu thay chân Pháp, Mỹ đã nhận thức rằng Chiến khu Đ là một căn cứ địa của cách mạng trực tiếp uy hiếp các cơ quan đầu não của chúng ở miền Đông và Sài Gòn. Do vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu của Mỹ - ngụy là triệt phá căn cứ Chiến khu Đ nhằm loại trừ mối đe dọa này.

Ngày 22-10-1956, Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh 143/NV thành lập tỉnh Phước Thành gồm ba quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo. Trung tâm tỉnh lỵ đặt tại Phước Vĩnh, do thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn làm tỉnh trưởng; ý đồ của Mỹ - Diệm là xây dựng Phước Thành thành một tiểu khu mạnh cùng với Chơn Thành, Bình Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long tạo thành một hệ thống cứ điểm quân sự liên hoàn bao vây chia cắt Chiến khu Đ với Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đ với Nam Tây nguyên, đồng thời tạo thành tuyến phòng thủ về hướng đông và đông bắc Sài Gòn, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với miền Nam.

Trong khi đó, về phía ta, trên thế và lực mới do cao trào Đồng Khởi tạo ra, Đảng ta quyết định chuyển cách mạng miền Nam sang giai đoạn mới, phát triển cuộc khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng. Bộ Chính trị quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay Xứ ủy Nam bộ, tổ chức Khu ủy thay Liên tỉnh ủy, củng cố cấp ủy Đảng từ tỉnh đến huyện, xã. Tháng 3-1961, sau khi được thành lập, Trung ương Cục miền Nam chọn Chiến khu Đ làm nơi đặt cơ quan lãnh đạo của Trung ương Cục.

Đến giữa năm 1961, hình thức thống trị bằng bộ máy chính quyền tay sai dưới sự chỉ đạo của các cơ quan an ninh và ngoại giao Mỹ bị thất bại. Mỹ bắt tay ngay vào thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, mở đầu bằng kế hoạch Staley-Taylor với tham vọng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Chúng đưa quân vào càn quét các vùng căn cứ kháng chiến, đốt nhà, gom dân vào các ấp chiến lược. Trong thời điểm đó, lực lượng vũ trang cách mạng chủ yếu là lực lượng quần chúng tay không nổi dậy, lấy súng địch để trang bị cho mình. Từ phong trào quần chúng mới bắt đầu hình thành các lực lượng vũ trang cách mạng, vũ khí trang bị còn thô sơ.

Ông Ấn nhớ lại: Bắt đầu thực thi kế hoạch bình định miền Nam, từ giữa năm 1961, trên địa bàn tỉnh Phước Thành, địch tăng cường lực lượng, lập thêm đồn bót, mở rộng Tiểu khu Phước Thành thành một cứ điểm quân sự mạnh, làm bàn đạp đánh phá, chia cắt Chiến khu Đ. Tiếp đó, ngày 13-4-1961, địch bố trí lại chiến trường, thành lập khu chiến thuật 31 đảm nhiệm việc đánh phá cách mạng ở miền Đông, trong đó có tỉnh Phước Thành và Phước Long. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Trung ương Cục về đẩy mạnh xây dựng và hoạt động của các lực lượng vũ trang, Quân khu miền Đông thành lập tiểu đoàn chủ lực tập trung đầu tiên của khu mang phiên hiệu lúc đầu là C500 (sau là Tiểu đoàn 800), sau này đóng vai trò chủ lực trong chiến thắng Phước Thành. Tháng 3-1961, tiểu đoàn tấn công tiêu diệt chi khu Hiếu Liêm, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh một số đồn bót, hỗ trợ tích cực phong trào du kích và nổi dậy của các địa phương trong vùng.

Quyết tâm chiến lược

Đến giữa năm 1961, hình thức thống trị bằng bộ máy chính quyền tay sai dưới sự chỉ đạo của các cơ quan an ninh và ngoại giao Mỹ bị thất bại. Mỹ bắt tay ngay vào thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, mở đầu bằng kế hoạch Staley-Taylor với tham vọng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng…

…Trong lúc các địa phương tập trung chống địch lấn chiếm, Bộ Tư lệnh quân khu miền Đông tiến hành điều nghiên và đề nghị Ban Quân sự Miền và Khu ủy được mở trận tấn công vào tiểu khu quân sự và tỉnh lỵ Phước Thành nhằm phá tan ý đồ bao vây chia cắt Chiến khu Đ, đánh phủ đầu vào ý đồ bình định của địch…

Trước âm mưu của địch, đánh giá địa bàn tỉnh Thủ Biên quá rộng, chỉ có một cấp ủy sẽ khó khăn trong việc lãnh đạo và chỉ đạo, đến tháng 6-1961, Khu ủy quyết định tách Thủ Biên thành 3 tỉnh Biên Hòa, Bình Dương (Thủ Dầu Một) và Phước Thành. Ông Trần Văn Ấn hồi tưởng: “Tại Phước Thành, địch tiếp tục ủi phá rừng, mở đường xe cơ giới để tiện hành quân càn quét và chia cắt Chiến khu Đ, củng cố các khu dinh điền thuộc các xã An Linh, Phước Sang, Phước Vĩnh, tạo thành lá chắn bảo vệ vòng ngoài cho thị xã Phước Thành. Với kế hoạch bình định gom dân, Mỹ - Diệm đã gây cho cách mạng miền Nam một số tổn thất. Chúng đã xây dựng được một số ấp chiến lược. Phong trào cách mạng của nhân dân một số nơi có bị núng thế…”.

Sau khi Ban cán sự Đảng được thành lập, cơ quan quân sự tỉnh cũng được hình thành, trực tiếp chỉ huy bộ đội tỉnh, huyện và du kích các xã đẩy mạnh hoạt động, tập trung vào nhiệm vụ chống địch lấn chiếm căn cứ, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Trong lúc các địa phương tập trung chống địch lấn chiếm, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông tiến hành điều nghiên và đề nghị Ban Quân sự Miền và Khu ủy được mở trận tấn công vào tiểu khu quân sự và tỉnh lỵ Phước Thành nhằm phá tan ý đồ bao vây chia cắt Chiến khu Đ, đánh phủ đầu vào ý đồ bình định của địch. Mục tiêu của trận đánh là tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ tiểu khu, giải thoát tù chính trị. Sau khi phân tích tình hình chung toàn miền và tình hình cụ thể ở miền Đông, Trung ương Cục và Ban Quân sự Miền nhất trí với đề nghị của Bộ Tư lệnh miền Đông. Khu ủy, Bộ Tư lệnh khu bàn bạc, triển khai kế hoạch cụ thể.

Ông Trần Văn Ấn, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Phú Giáo phân tích: “So sánh về tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc này rất chênh lệch. Tiểu khu quân sự Phước Thành là một cứ điểm quân sự mạnh, tuy gọi là tòa tỉnh trưởng nhưng có công sự kiên cố nằm ngay tỉnh lỵ Phước Thành. Địch có khoảng 2.000 quân gồm có cả lực lượng bảo an, cảnh sát dã chiến, dân vệ, biệt động quân được trang bị vũ khí hiện đại, có pháo và thiết giáp yểm trợ. Trong khi đó, bộ đội chủ lực của ta mới được xây dựng, vũ khí còn thiếu thốn, thô sơ, quân số của toàn lực lượng ta chỉ khoảng 2 tiểu đoàn, kể như 1 chọi 10. Tuy nhiên, quyết tâm chiến lược và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ lực lượng ta rất cao, quyết tâm tấn công cho được tỉnh lỵ Phước Thành”.

Cũng theo ông Ấn, từ thực tế các chiến thắng của lực lượng vũ trang miền Đông ở Minh Thạnh, Dầu Tiếng, Tua Hai (Tây Ninh), Bù Đăng… Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu miền Đông nhận định: Nếu ta biết khoét sâu mặt yếu, sơ hở của địch, có kế hoạch tác chiến đúng, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ thì nhất định giành được thắng lợi… (còn tiếp)

 

 CAO SƠN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1032
Quay lên trên