Cũng như các tỉnh, thành khác ở Nam kỳ, ngày 23- 11-1940, phong trào khởi nghĩa ở tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương được phát động rầm rộ. Tuy bị thực dân đàn áp nhưng khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại những bài học quý giá. Ðó là bài học về xây dựng thực lực cách mạng gắn với nắm bắt thời cơ; bài học về khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự hiệp lực, đồng tâm của quần chúng; bài học về phối hợp địa phương với cả nước, về nghệ thuật giành và giữ chính quyền nhân dân...
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng diễn ra từ ngày 6 đến 8-11-1939, tại Bà Ðiểm (Hóc Môn - Gia Ðịnh) đã xác định: Trong hoàn cảnh mới, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách của các dân tộc Ðông Dương. Bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy độc lập. Nghị quyết của hội nghị được phổ biến tới các địa phương như một luồng gió mới tiếp thêm sinh khí cho phong trào cách mạng trên cả nước.
Một góc đô thị Thủ Dầu Một hôm nay. Ảnh: X.THI
Từ tháng 7 đến tháng 10-1940, Xứ ủy Nam kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo các tầng lớp nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Ðến giữa tháng 11-1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam kỳ đã quyết định phát động toàn Nam kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng đồng loạt phát động nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22-11-1940. Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng từ ngày 6 đến 9-11-1940 đã quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa vì điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi. Ðồng chí Phan Ðăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Ðăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương, một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy đã bị địch bắt, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch. Cả Nam kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23-11 đến ngày 31-12-1940
Tại tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương, thực hiện lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ, phong trào khởi nghĩa ở tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương cũng được phát động rầm rộ. Vào lúc 19 giờ ngày 23-11-1940, tại chùa Long Giao, ấp Bình Giao, làng Thuận Giao, quận Lái Thiêu (nay là TX.Thuận An), Ban Chỉ đạo khởi nghĩa của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một - Bình Dương đã tổ chức mít tinh. Tham dự có hàng trăm người là cán bộ, hội viên trong tổ chức nông dân, phụ nữ, thanh niên phản đế và cán bộ, đảng viên. Bảo vệ cuộc mít tinh có đội tự vệ bán vũ trang khoảng 10 người được trang bị 2 khẩu súng trường do binh vận mà có và gươm, giáo, gậy tầm vông. Trong cuộc mít tinh, đồng chí Nguyễn Văn Tiết, thay mặt Ban Chỉ đạo khởi nghĩa kêu gọi đồng bào hãy đồng tâm hiệp lực đứng lên chống Pháp, bọn tay sai ác bá, chống chiến tranh, giành lấy quyền tự do dân chủ… Từ sau cuộc mít tinh ở Thuận Giao, ta đồng loạt nổi dậy phá hoại an ninh, trật tự chính quyền địa phương của địch ở nhiều làng như Thuận Giao, An Sơn, An Thạnh… Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên xuất hiện ở làng Thuận Giao, bưu điện quận Lái Thiêu, làng An Sơn… Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã lãnh đạo Đảng bộ, nhân dân 3 quận Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát nổi dậy suốt 8 ngày đêm kể từ ngày 23 đến 30- 11-1940.
Khi đó, giáp ranh với tỉnh Thủ Dầu Một là quận Tân Uyên thuộc tỉnh Biên Hòa và các làng thuộc xung quanh Đề-pô xe lửa Dĩ An thuộc tỉnh Gia Định (tỉnh Bình Dương ngày nay), các chi bộ hướng dẫn nhân dân nổi dậy. Ở quận Tân Uyên, được chọn làm trọng điểm cho cuộc khởi nghĩa nên từ tháng 8-1940 đã làm công tác chuẩn bị. Phương án khởi nghĩa được xác định chủ yếu tại hai vùng, phía nam lấy thị trấn Uyên Hưng làm trọng điểm; phía bắc lấy làng Mỹ Lộc, Tân Hòa, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An làm điểm hỗ trợ. Lực lượng nổi dậy bao gồm quần chúng Hội phản đế nông dân, thanh niên và đội vũ trang khoảng 35 người với vài khẩu súng trường, súng săn, giáo mác, gậy tầm vông…
Mặc dù thất bại do điều kiện chưa chín muồi, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ có ý nghĩa rất to lớn. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam kỳ “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương”. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng.
Khởi nghĩa Nam kỳ 23-11- 1940 đã để lại những bài học quý giá. Ðó là bài học về xây dựng thực lực cách mạng gắn với nắm bắt thời cơ; bài học về khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự hiệp lực, đồng tâm của quần chúng; bài học về phối hợp địa phương với cả nước, về nghệ thuật giành và giữ chính quyền nhân dân...; đặc biệt là bài học về xây dựng Ðảng. Ðảng bộ Nam kỳ khi đó mới 10 tuổi, đã phát động được một cuộc khởi nghĩa long trời lở đất chính vì đã sớm nắm bắt và vận dụng đường lối của Ðảng, xây dựng được hệ thống tổ chức cơ sở Ðảng, tổ chức quần chúng rộng khắp, tạo dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành, dũng cảm và tiên phong gương mẫu, luôn luôn gắn bó với quần chúng, tin tưởng ở sức mạnh của quần chúng, hòa mình trong quần chúng mà dẫn dắt quần chúng tiến lên.
T.T (tổng hợp)