Vang mãi ngón đờn kìm đất Thủ

Cập nhật: 28-03-2017 | 08:33:04

Nhắc đến nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) ở Bình Dương, không ai không biết đến cố NSƯT Tư Còn. Ông là một trong những người được phong tặng danh hiệu NSƯT đầu tiên của tỉnh nhà. Dù đã đi xa, nhưng tên tuổi, tiếng tăm của ông luôn gắn liền cùng cây đờn kìm với ngón đờn lăn tay độc đáo vẫn còn vang mãi...

 Được nhiều thầy tổ truyền dạy

Lúc NSƯT Tư Còn còn sống, nhiều lần tôi được tiếp chuyện với ông và nghe ông kể về quá trình đến với âm nhạc dân tộc, những người thầy dạy đờn và truyền cho ông ngọn lửa đam mê. Để rồi từ đó, ông cùng cây đờn kìm yêu quý của mình bắt đầu rong ruổi khắp chốn, gieo vào lòng giới mộ điệu những cảm xúc khó phai.

NSƯT Tư Còn bên cây đờn kìm với cú lăn tay độc đáo
“có một không hai” của đất Thủ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, từ nhỏ ông đã sớm làm quen với những điệu nhạc, câu hát chan chứa tình quê. Cha ông, trước đây là một nhạc công thổi sáo cho các đoàn hát. Chính cha ông là người nhìn ra thiên khiếu âm nhạc bẩm sinh đang tiềm ẩn trong con người ông và định hướng cho ông đi theo cái nghiệp nghệ thuật này. Lúc 11 tuổi, ông bắt đầu học đờn, học nhạc tài tử. Người thầy mà gia đình mời về nhà dạy ông là thầy Chín Hòa Tam Quốc - một ông tổ của dòng nhạc tài tử. Vốn mê đờn, lại tiếp thu bài học nhanh nhạy nên ông được thầy truyền dạy cho tất cả bí quyết nghề nghiệp. Cũng nhờ thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã chơi đờn kìm rất thạo. Sau 3 năm theo học cùng thầy Chín Hòa Tam Quốc, ông bắt đầu tham gia đi biểu diễn. Để luyện tập và học thêm những bài bản mới, ông tìm đến thầy Út Lăng theo học đờn cải lương. Thầy Út Lăng rất nổi tiếng lúc bấy giờ, được xem là một ông tổ của dòng nhạc lễ, người có công sáng tạo ra điệu thức Quảng trong bản Tây Thi. Chính sự ham học của người học trò mê mẫn nghiệp đờn này nên thầy Út Lăng yêu quý và đã truyền hết cho ông những ngón đờn bí truyền trong nghề. Sau khi được hai thầy truyền dạy hết ngón nghề, năm 15 tuổi, Tư Còn chính thức bước chân vào con đường sân khấu.

Lúc đầu, ông chủ yếu chơi ĐCTT. Mãi đến năm 20 tuổi, ông mới đi theo các đoàn cải lương. Cũng từ đó, tiếng đờn kìm tuyệt vời của ông có dịp rong ruổi theo bước chân của các đoàn hát, nhiều phen làm nức lòng giới mộ điệu. Với tài nghệ của mình, 25 tuổi, ông đã được các đoàn cải lương nổi tiếng lúc bấy giờ mời về làm nhạc trưởng, đờn kìm chánh, như: Minh Cảnh, Kim Chung, Thanh Hương, Hùng Minh, Thanh Minh - Thanh Nga, Hoa Đăng Quy Sắc…

Lưu giữ và phát triển

Sau ngày đất nước giải phóng, ông từ giã các gánh hát để trở về bên vợ con của mình. Để bù lại những tháng ngày phiêu du khắp chốn, ông mở tiệm gò hàn tại nhà vừa kiếm thêm tiền chăm lo gia đình, vừa có thu nhập duy trì nghiệp đờn của mình. Tiếng búa, tiếng đe chát chúa suốt ngày nghe đinh tai nhức óc là thế, nhưng hễ buông tay xuống là ông ôm liền cây đờn kìm lên gãy. Bao niềm vui, nỗi buồn cứ theo tiếng đờn mà tuôn chảy, để lại trong tâm hồn ông một cảm giác lâng lâng, thoải mái lạ kỳ.

Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy những vốn quý của âm nhạc dân tộc tại quê hương, ông mở thêm lớp dạy đờn miễn phí tại nhà của mình. Nghe danh thầy Tư Còn có ngón đờn kìm lăn tay độc đáo, ai cũng muốn được thầy truyền dạy cho. Ngoài dạy đờn, ông còn dạy học trò của mình cách hát, cách biểu diễn trên sân khấu. Lúc đầu ông chỉ dạy ở nhà, sau đó các trung tâm văn hóa, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Đoàn Văn công tỉnh (nay là Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh) cũng mở lớp và mời ông ra đứng lớp dạy cho các thế hệ đi sau. Ông còn làm chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Trung tâm Văn hóa tỉnh, tham gia Ban giám khảo trong các hội thi, ban cố vấn các chương trình văn nghệ trên đài địa phương và Trung ương. Ở Bình Dương, học trò của ông rất nhiều, sau khi được ông truyền dạy đã theo nghề và thành tài ở trong cũng như ngoài tỉnh.

NSƯT Tư Còn tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh

Ngoài truyền dạy cho các thế hệ đi sau, nghệ sĩ Tư Còn còn tham gia tích cực trong các phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương, tham gia công tác trong Đoàn Văn công tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ. Tên tuổi của ông được khẳng định qua nhiều giải thưởng tại các cuộc thi liên quan đến âm nhạc dân tộc trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Mỗi lần xuất quân đi thi, dù ở vai trò cá nhân hay trưởng đoàn, cứ có mặt ông tham gia là có thành tích cao mang về cho tỉnh nhà. Trong cuộc so tài của ông với 50 tay đờn cừ khôi của cả nước tại hội thi độc tấu âm nhạc toàn quốc vào năm 1978, ông Tư Còn đã đoạt danh hiệu “Danh cầm đàn nguyệt”. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục đoạt HCB tại hội diễn độc tấu đờn kìm toàn quốc năm 1988; rồi HCB tài năng diễn tấu toàn quốc năm 1992; HCV độc tấu đờn kìm toàn quốc năm 1993. Tại Liên hoan ĐCTT toàn quốc năm 2000, đội ĐCTT Bình Dương do ông làm trưởng đoàn tiếp tục đoạt HCV toàn quốc. Riêng cá nhân ông cũng đoạt HCV toàn quốc về độc tấu đờn kìm. Năm 2003, ông là người huấn luyện và dẫn dắt đội ĐCTT của tỉnh Bình Dương đi thi cũng mang về tấm HCV cấp quốc gia… Với những thành tích đạt được đó và những cống hiến của ông trên con đường nghệ thuật, năm 2007, ông là một trong số ít những nghệ sĩ của tỉnh Bình Dương được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

Ông biết rất nhiều loại đờn khác nhau như đờn bầu, guita phím lõm, violon, đờn tranh… nhưng chỉ có cây đờn kìm mới thực sự làm ông say đắm và làm nên tên tuổi của nghệ sĩ Tư Còn. Tiếng đờn kìm réo rắt, lúc bay bổng, khi sâu lắng bao phen làm nức lòng giới mộ điệu ấy dù nay không còn nữa, nhưng ngón đờn kìm tuyệt vời của ông vẫn còn vang mãi. Niềm đam mê nghệ thuật ông đã truyền dạy cho bao thế hệ học trò của mình cũng đang tiếp tục được giữ gìn và ngày càng phát triển trên quê hương đất Thủ.

Những năm tháng cuối đời, NSƯT Tư Còn vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Ông vừa dạy đàn tại nhà, vừa dẫn dắt CLB ĐCTT thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh, vừa tham gia Ban giám khảo, Ban cố vấn các cuộc thi, liên hoan ĐCTT trong tỉnh và toàn quốc. Dù tuổi đã cao nhưng tiếng đờn của ông vẫn còn dẻo dai lắm. Ngoài ra, ông còn tham gia thu thanh cho đài FM, lúc lại thu hình cho Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương và cả TP.HCM. Ông cùng học trò của mình còn tham gia biểu diễn phục vụ từ thiện khắp nơi. Ông từng chia sẻ: “Mình là một nghệ sĩ chơi đàn, ai mời tham gia các chương trình đúng với nghề thì mình đều đi hết. Thù lao có hay không không quan trọng, quan trọng là mình được chơi đàn phục vụ bà con”. Mỗi khi có dịp biểu diễn, thấy bà con coi mê mẫn, vất vả cũng theo đó mà quên đi, chỉ còn lại trong người một cảm giác vui vẻ, phấn chấn lạ thường. Có lẽ, đó cũng chính là hạnh phúc của người nghệ sĩ, không thể nói hết thành lời.

 

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1398
Quay lên trên