VAR có làm mất đi cảm xúc của bóng đá?

Cập nhật: 30-10-2023 | 09:33:44

Sau hai lượt trận đầu tiên tại Night Wolf V.League 2023-2024, 7/13 trận đấu đã được áp dụng công nghệ Video Assistant Referee - công nghệ sử dụng video hỗ trợ trọng tài (VAR). Có ý kiến khen, cũng có ý kiến chưa đồng tình với công nghệ mới này đối với bóng đá Việt Nam. Vậy VAR có làm mất đi cảm xúc của bóng đá?


Cần có thêm thời gian để đội ngũ trọng tài VAR quen dần với công nghệ mới

Mới đây nhất, trong trận đấu giữa Viettel gặp Thanh Hóa, trọng tài Nguyễn Minh Hải đã có ít nhất 3 lần tạm dừng trận đấu để kiểm tra VAR. Đúng sai chưa bàn tới, bởi đó là công việc chuyên môn thuần túy của đội ngũ “cầm cân, nẩy mực” trên sân cỏ. Nhưng với khán giả xem trực tiếp trên sân và khán giả xem qua tivi, họ đang cảm thấy cảm xúc bị giảm đi khi mỗi lần VAR vào cuộc do trận đấu thường bị gián đoạn từ 5 đến 8 phút. Đi cùng với đó, thời gian bù giờ của mỗi hiệp vì thế cũng nhiều hơn bình thường.

Nhưng, khởi đầu bao giờ cũng khó khăn và người hâm mộ bóng đá nước nhà cần để cho đội ngũ trọng tài VAR có thêm thời gian quen dần với công nghệ này. Ông Đặng Thanh Hạ, Trưởng ban Trọng tài VFF, chia sẻ về công nghệ này, như sau: Với nguyên tắc quan trọng nhất khi vận hành trận đấu có VAR của FIFA là “VAR can thiệp tối thiểu, nhưng hiệu quả phải tối đa” nên VAR chỉ can thiệp khi cho rằng trọng tài đã đưa ra một quyết định sai rõ ràng hoặc bỏ qua một tình huống nghiêm trọng liên quan đến phạt đền, bàn thắng, thẻ đỏ trực tiếp và phạt thẻ nhầm người.

“Ở nhiều tình huống đã diễn ra tại V.League, người hâm mộ không thấy hình ảnh trọng tài chính phải đích thân ra xem lại tình huống ở màn hình đặt trên sân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi đó là những tình huống rõ ràng, chỉ cần VAR kiểm tra và thông báo cho trọng tài mà không cần trọng tài phải xem lại màn hình. Còn các tình huống VAR đề nghị trọng tài vào xem lại màn hình để đưa ra quyết định là những tình huống mà quan điểm của VAR khác với quyết định của trọng tài trên sân. Việc này đến từ 2 cách thức VAR can thiệp khác nhau, gồm: “VAR only review” (chỉ cần VAR kiểm tra và thông báo cho trọng tài chính) và “VAR on field review” (VAR đề xuất trọng vào xem lại tình huống trên màn hình và đưa ra quyết định cuối cùng)”, ông Đặng Thanh Hạ nói.

Từ chia sẻ trên cho thấy khán giả nên có cái nhìn thông cảm với đội ngũ trọng tài VAR, là khi VAR đã vào cuộc thì sẽ mất nhiều thời gian để trọng tài đưa ra quyết định cuối cùng. Có nhiều yếu tố dẫn tới thời gian chờ đợi quá lâu. Theo quy định, VAR phải kiểm tra từ thời điểm bóng trở lại trong cuộc, sau tình huống bóng chết cuối cùng, trước khi dẫn tới pha bóng cần VAR can thiệp. Vì thế, thời gian bóng “sống” ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian VAR can thiệp. Ở thời điểm này, VAR đang ở giai đoạn đầu được áp dụng tại V.League 2023-2024. Đội ngũ vận hành và tổ trọng tài cần thêm nhiều trải nghiệm để nâng cấp khả năng thao tác nhằm đưa ra quyết định chính xác. Việc này không thể diễn ra trong một sớm một chiều mà cần rất nhiều trận đấu có VAR để các yếu tố của một trận đấu bóng đá được dần hoàn thiện và vận hành một cách chỉn chu nhất có thể.

HẢI NGUYỄN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=876
Quay lên trên