Từ đầu năm đến nay, do tình hình thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) nói chung gặp nhiều khó khăn, nên bên cạnh các mặt hàng VLXD cao cấp ngoại nhập, hệ thống các cửa hàng VLXD trên địa bàn tỉnh bày bán khá nhiều các loại VLXD mang thương hiệu Việt. Sản phẩm VLXD mang thương hiệu Việt hiện đang chiếm ưu thế…
Khảo sát tại nhiều doanh nghiệp (DN) phân phối và bán lẻ VLXD, cũng như các cửa hàng tại TP.Thủ Dầu Một và huyện Tân Uyên, cho thấy sức tiêu thụ các mặt hàng VLXD nói chung trong năm 2012 đã giảm mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng các dòng sản phẩm đã có sự khác biệt lớn so với trước.
Các sản phẩm VLXD mang thương hiệu Việt đang bày bán có giá rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại ngoại nhập
Chị Lê Thị Loan, đại diện cửa hàng VLXD Diệp Lâm, đường Huỳnh Văn Lũy, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Mọi năm, thời điểm này là xây dựng vào mùa, nhưng năm nay sức tiêu thụ VLXD vẫn còn khá chậm. Năm nay, hầu hết khách hàng đều chọn mua sản phẩm VLXD sản xuất trong nước nên sản phẩm gốm sứ xây dựng mang thương hiệu Việt bán chạy hơn so với sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài”. Còn anh Nguyễn Văn Tường, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH TM Phú Việt Cường, tại số 676 đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, chuyên cung cấp gạch men và thiết bị vệ sinh, thì cho biết: “Các sản phẩm gạch men và thiết bị vệ sinh đang bày bán tại công ty 100% là hàng sản xuất trong nước, mang các thương hiệu như Ý Mỹ, Kim Phong, Đồng Tâm… Khách đến phòng trưng bày của công ty đều hỏi mua sản phẩm trong nước, do vậy chúng tôi tư vấn cho khách hàng về tính năng của từng dòng sản phẩm để khách hàng tự do lựa chọn. Nói chung, sản phẩm mang thương hiệu Việt hiện đều có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt mà giá cả lại rất hợp với túi tiền của người dân, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Cũng như người dân tại TP.Thủ Dầu Một, khách hàng của các công ty kinh doanh VLXD tại TX.Thuận An, Dĩ An và các huyện Bến Cát, Tân Uyên… cũng đều chọn mua những mặt hàng VLXD trong nước khi có nhu cầu. Chị Thùy Linh, chủ cửa hàng VLXD Ngọc Thanh, tại thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, cho biết: “Mặc dù có trưng bày một số mặt hàng nhập khẩu, nhưng sản phẩm bán ra của cửa hàng chúng tôi chủ yếu vẫn là hàng Việt. Bình quân mỗi tháng cửa hàng bán được hơn 2.000 bao xi măng, khoảng 1.000m2 gạch men và 20 bộ bồn tắm nóng lạnh. Tất cả đều là hàng sản xuất trong nước”. Là người theo nghề khá lâu, chị Thùy Linh nhận xét các mặt hàng VLXD của các công ty trong nước sản xuất hiện có chất lượng không thua kém hàng liên doanh hay hàng nhập khẩu, nhưng giá cả thì chỉ bằng phân nửa. Đơn cử một bộ thiết bị vệ sinh hàng liên doanh bán với giá hơn 2 triệu đồng, thì hàng trong nước chỉ bán với giá từ 700.000 đến 1 triệu đồng, nên rất hút khách. Còn sản phẩm gạch men của Ý Mỹ, Vitaly, Prime, Hoàng Gia, Viglacera… có độ bóng, độ bền không thua kém hàng nhập khẩu nhưng giá bán chỉ từ 80.000 - 100.000 đồng/m2, trong khi hàng nhập khẩu có độ bóng, độ bền tương tự thì giá cả đội lên gấp 3 - 4 lần.
Sản phẩm VLXD trong nước hiện đã được người tiêu dùng tin dùng. Đây là tín hiệu vui cho các công ty sản xuất VLXD trong nước. Tuy nhiên, thị trường VLXD chuyển động khá chậm mà nguyên nhân là do khó khăn chung của nền kinh tế. Cũng như chị Thùy Linh, hầu hết các DN kinh doanh VLXD đang kỳ vọng vào những chính sách kinh tế với hy vọng thị trường VLXD sẽ có những dấu hiệu khả quan hơn vào những tháng cuối năm.
PHƯƠNG AN