Vật liệu xây dựng không nung: Công nghệ mới, thân thiện môi trường

Cập nhật: 09-08-2011 | 00:00:00

Bình Dương đang xây dựng kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng không nung để vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường, vừa phong phú về nguồn nguyên liệu. Cho đến nay, dù chưa được áp dụng nhiều nhưng theo các nhà khoa học thì vật liệu không nung là một sản phẩm chất lượng cao.

Công nghệ “đất hóa đá”

Sở KHCN Bình Dương vừa tổ chức buổi hội thảo rộng rãi, có sự tham gia của nhiều nhà thầu xây dựng lớn, các ban ngành hữu quan nhằm giới thiệu loại vật liệu xây dựng không nung. Công nghệ này vẫn còn đang rất lạ lẫm đối với ngành xây dựng Việt Nam. Công nghệ “đất hóa đá” thực chất là công nghệ vô cơ, sản xuất gạch xây dựng dựa trên sự hiện diện của nguyên tố Silic làm cơ cấu và chất kết dính mạnh mẽ tạo ra hiện tượng ion hóa thành composic vô cơ. Do đặc tính của vật liệu là đất sét có tính âm kết hợp với Magie có tính dương dưới tác động hỗ trợ của lực nén vừa phải, chúng sẽ tạo ra một chất mới cứng như đá. Ngoài ra, công nghệ vô cơ cũng biến một hạt cao lanh có Silic và lá nhôm thành hạt nam châm rất nhỏ có đầu âm (lá Silic) và một đầu dương (lá nhôm). Các hạt nam châm này hút nhau mạnh tạo ra sự hóa đá của cao lanh.

 Vật liệu xây dựng sản xuất từ công nghệ “Đất hóa đá”

Trong thực tế, ông cha ta đã sử dụng công nghệ vô cơ từ ngàn năm nay là dùng đất sét và cao lanh nhiều màu trộn lại, phơi khô hóa đá. Để chống nứt, người xưa còn có thể dùng lá cây, rơm rạ, cát vào đất sét. Sau đó, phơi nắng khoảng 10 ngày thì đất sét cứng như đá. Ở bước phát triển cao hơn của công nghệ “Đất hóa đá” sẽ cho ra dạng vật liệu xây dựng mới là Polime. Nhờ sự hút nhau của các vật chất mới như đã nêu trên, Polime ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong việc xây dựng các công trình giao thông, nhà ở cao tầng...

Do đặc thù của công nghệ này là sản xuất không nung nên không ô nhiễm môi trường vì không thải ra khí CO2 và SO3 cùng các chất thải khác. Hơn nữa, công nghệ còn cho phép doanh nghiệp tận thu các nguyên liệu đầu vào từ rác thải xây dựng như đất đào móng công trình, gạch ngói vỡ, xỉ than, sành, sứ... Công nghệ lại cho phép sử dụng nguyên liệu đầu vào dường như vô tận bởi có thể sản xuất từ đất đồi, đất bạc màu, đất thải từ việc khai khoáng. Đây là một ưu điểm tuyệt vời của công nghệ sản xuất “Đất hóa đá” bởi công nghệ sản xuất gạch truyền thống chỉ có một loại vật liệu duy nhất là đất sét.

Phát triển gạch không nung

Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển (Viện KHCN Việt Nam) cho biết, nếu đầu tư một mô hình sản xuất gạch có công suất 3.600 viên gạch/giờ, hoặc 20 triệu viên gạch/năm, tương đương với một nhà máy gạch tuynel, nhà sản xuất phải đầu tư khoảng từ 4 - 6 tỷ đồng. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, cần khoảng 40 nhân công làm việc thường xuyên. Nếu tính toán hết tất cả các khoản từ lương nhân công, điện, khấu hao, tiền nhà xưởng... mỗi viên gạch cho ra thị trường sẽ có giá 1.000 đồng. Cũng theo tính toán của Bộ KHCN, nếu đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung công suất 20 triệu viên/năm, doanh nghiệp sẽ thu lại lợi nhuận khoảng 4 - 5 tỷ đồng mỗi năm nếu tiêu thụ hết sản phẩm theo công suất của nhà máy.

Tại Bình Dương, việc quy hoạch vật liệu xây dựng đến năm 2020 đã được xây dựng và hoàn chỉnh. Theo đó, việc đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất gạch không nung theo công nghệ tiên tiến phải đạt quy mô công suất từ 20 triệu viên/năm trở lên. Không chỉ mạnh về quy mô sản xuất đến 20 triệu viên/năm mà ngành xây dựng Bình Dương còn đặt ra mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm từ công nghệ mới mẻ này. Theo phương án phát triển vật liệu xây dựng do Sở Xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt thì trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 4 cơ sở sản xuất gạch không nung đạt công suất lên đến 80 triệu viên/năm. Địa điểm dự kiến xây dựng cơ sở sẽ là TX.TDM, TX.Dĩ An, huyện Tân Uyên và Bến Cát. Đối với bê tông nhẹ, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất bê tông bọt công suất 72 ngàn m3/năm, vốn đầu tư khoảng 32 tỷ đồng tại TX.TDM.

KHÁNH VINH

Theo quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu đặt ra là nước ta sẽ phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015 và 30 - 40% vào năm 2020. Cụ thể, đó là các dạng gạch không nung đang được áp dụng trên thế giới như: gạch xi măng - cốt liệu, gạch từ bê tông khí chưng áp (ACC), gạch từ bê tông bọt... Từ năm 2011, các công trình cao từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu không nung loại nhẹ.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên