Về An Giang ăn đuôi bò hầm ba kích trắng

Cập nhật: 04-06-2021 | 14:25:21

Nghe "ba kích, ba kích", tôi cứ ngỡ tên gọi khác của nhum biển, không ngờ là những khúc củ trắng ngần, thơm mùi sâm, có vị thanh, hậu đắng nhẹ.

Khởi hành từ 5g sáng nhưng khi chúng tôi rẽ xe máy vào sân nhà Kiên ở Vĩnh Ngươn, Châu Đốc, An Giang thì trời đã xế chiều. Thấy chúng tôi, ba mẹ Kiên vui vẻ bảo rửa tay, ăn cơm. Hai bác chưa nói hết lời, Kiên đã hít một hơi thật dài, rồi chạy vào bếp, oà lên: "Đuôi bò hầm ba kích? Tuyệt".

Ba kích ở An Giang là một loại dược liệu mọc hoang

Trái với mường tượng của tôi - ba kích là tên khác của nhum biển (nhím biển), và sự mong đợi về sự kết hợp giữa động vật bốn chân và nó, món đuôi bò hầm ba kích nhà Kiên khá lành với những miếng đuôi bò cắt lát cùng những khúc củ non bằng ngón tay cái, màu trắng ngà.

Kiên bảo, ba kích trắng là một loại dược liệu mọc hoang ở ven rừng. Có hai loại là sâm ba kích trắng và tím. Trong đó, ba kích tím giá cao hơn nên thường để dành ngâm rượu hay làm thuốc. Ba kích trắng giá mềm hơn, nên thỉnh thoảng, vô rừng tìm được thì mang về nấu cùng các loại thịt như một món ăn bồi dưỡng. Ngon và bổ dưỡng nhất là đuôi bò hầm ba kích.

Những khoanh đuôi bò hầm mềm với phần da giòn sần sật

Theo đông y, ba kích có vị cay, ngọt, tính ấm. Tác dụng của cây ba kích giúp bổ thận, tráng dương, cường gân cốt, khử phong thấp, tăng cường sức đề kháng, sức lực cho bệnh nhân lớn tuổi, suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém.

Được hầm với đuôi bò, những tưởng nước lèo của món mì sẽ nhiều dầu mỡ, ngán ngấy nhưng ngược lại, vị món ăn khá thanh, nhẹ và dễ chịu. Vị thơm đặc trưng của củ sâm cũng nhàn nhạt trong miệng, trên mũi. Miếng cắn đầu của củ sâm khiến tôi liên tưởng đến phần tinh bột trong củ bình tinh, vừa na ná củ sắn dây luộc - thanh, ngọt cùng hậu đắng nhẹ.

Nhưng đó là cảm nhận về vị, hương của lũ con trai, còn bọn con gái, dù ba mẹ Kiên nói gì đi nữa, cũng chỉ thích húp phần nước lèo ngọt thanh, cảm nhận vị ngon của những khoanh đuôi bò, chứ nhất quyết từ chối những khúc củ sâm trắng ngà, thơm đậm vì vị "lạ lắm".

Sau về TPHCM, nhớ thương vị thơm ngọt của nước lèo và củ sâm ba kích, tôi lên mạng tra thử thì phát hiện món ngon dân dã của An Giang đã có mặt tại Grand Cafe Lounge (Đồng Khởi) - cà phê, nhà hàng chuyên giới thiệu những đặc sản dân dã ba miền đến thực khách Sài thành cũng như du khách trong và ngoài nước. Món đuôi bò hầm ba kích trên tầng 20 ăn vào buổi sáng cũng có vị thơm, nhẹ, thanh như trong ký ức chuyến đi An Giang ngày đó của tôi, nhưng không gian thoáng hơn, mát hơn với những cơn gió thổi đến từ sông Sài Gòn.

Theo phunuonline.com.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=477
Quay lên trên