Về Chiến khu Đ, nghe lại câu chuyện về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, chúng tôi rất đỗi tự hào về những chiến công và bồi hồi với nhữ ng vần thơ giàu chất hùng tráng, nặng tình nước, tình dân của ông.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con (9 người con) tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), Huỳnh Văn Nghệ là biểu tượng của một người luôn lưu giữ tâm hồn, khí phách, phẩm chất cần cù của người thủ lĩnh tài ba, văn võ toàn tài. Ông được nhận học bổng của trường Trung học Pétrus Ký Sài Gòn và sớm được giác ngộ, tham gia các hoạt động cách mạng. Bắt đầu từ những năm 1936-1939, ông tham gia phong trào Ðông Dương đại hội ở Sở Xe lửa Sài Gòn, tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, sang Thái Lan hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước và tổ chức xuất bản tờ báo Hồn Cố Hương, kêu gọi tinh thần yêu nước hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng của kiều bào.
Đoàn viên thanh niên 4 xã Thường Tân, Tân Mỹ, Lạc An, Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên) tổ chức Hội trại huấn luyện cán bộ hội năm 2022 tại Khu tưởng niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ
Năm 1944, ông trở về nước, lập khu nghĩa quân Ðất Cuốc tại Tân Uyên, được kết nạp Ðảng, lập Ðoàn Cựu binh sĩ và tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Ông trực tiếp chỉ huy cướp chính quyền ở Biên Hòa, chỉ huy nhiều trận đánh lớn, trở thành Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh khu, đồng thời là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiêm Tỉnh đội trưởng Thủ Biên, chỉ huy nhiều trận đánh lớn bảo vệ Bộ Tư lệnh Nam bộ đóng ở Chiến khu Ð. Tháng 5-1953, ông được cử ra Bắc học tập và tiếp tục công tác trong quân đội với hàm thượng tá, Trưởng phòng Thể dục Thể thao, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam…
Năm 1965, ông được điều trở về Nam bộ, lần lượt giữ các cương vị: Trưởng ban Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Phó Bí thư Ðảng ủy Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Phó ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban Lâm nghiệp Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông là Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam, Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ngày 5-3-1977, ông lâm bệnh nặng và mất tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.Hồ Chí Minh, thọ 63 tuổi. Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Về thăm Khu tưởng niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn niềm tự hào và càng trân quý những đóng góp của người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầy tài ba này. Khu tưởng niệm tọa lạc tại xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, xây trong khuôn viên xinh đẹp, gồm nhà lưu niệm, mộ phần thi tướng và gia đình, phù điêu tượng thi tướng… Nhà lưu niệm được xây dựng gồm 2 tầng: Tầng trên là phần thờ tự bày biện theo truyền thống Việt Nam, tầng dưới trưng bày ảnh và hiện vật của thi tướng.
Ghi nhớ công lao vị thi tướng lỗi lạc này, hàng năm, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đều tổ chức lễ giỗ ông rất trang trọng. Vào trước ngày giỗ thi tướng (16 tháng giêng âm lịch), đoàn viên thanh niên địa phương thường tổ chức dọn dẹp vệ sinh khuôn viên khu tưởng niệm, nhiều văn nghệ sĩ khắp nơi cũng về biểu diễn chương trình văn nghệ phục vụ. Giờ đây, khu tưởng niệm còn là một địa chỉ đỏ để giáo dục về truyền thống cách mạng của địa phương. Huyện đoàn Bắc Tân Uyên thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, thắp nến tri ân, dọn dẹp vệ sinh khu vực nhà bia, nghe nói chuyện ôn lại truyền thống, về thân thế và sự nghiệp cách mạng đầy hào hùng của thi tướng.
Để chiêm ngưỡng những hình ảnh và những hiện vật của thi tướng tại Khu tưởng niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, cũng như thưởng thức những vần thơ đậm chất hùng tráng, nặng tình nước, tình dân của ông…, mời quý độc giả đón xem tập tiếp theo của chương trình “Tôi yêu Bình Dương”. Chương trình được phát vào lúc 6 giờ sáng chủ nhật (ngày 5-3) tại địa chỉ: www. baobinhduong.vn.
MINH HIẾU